- Không còn sự trẻ khỏe của người lính năm nào, người đàn ông ngồi trước mặt chúng tôi liên tục bật ra những tiếng khóc nức nở. Ông bảo: “Tôi sống hôm nay không biết ngày mai. Tôi không biết mình sẽ chết lúc nào...”.

Rơi nước mắt chuyện mẹ có 2 con nhiễm chất độc da cam

“Cứ bực lên là con cầm lấy tay tôi mà bẻ đến gãy xương, trật khớp. Bẻ xong tôi chữa khỏi nó lại tấn công tiếp. Vợ chồng tôi phải nhốt con lại trong buồng, cổng khóa 24/24 để ngăn con bỏ trốn"

3 lần sinh nở thất bại, lần thứ 4 con bị nhiễm dioxin

Sau 3 lần mang thai thất bại, lần thứ 4 vợ chồng bà mới có được mụn con duy nhất. Oái oăm thay càng lớn cô con gái càng có biểu hiện bất thường. 

Đó là ông Ngô Doãn Bình (1954), một nạn nhân chất độc da cam, hiện đang có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Cao Xá xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội.

Hiện tại, ông Bình đang bị tai biến. Gia đình ông gồm hai vợ chồng, một người cha già đã 84 tuổi và một cháu nội 12 tuổi trông chờ hoàn toàn vào sức lao động của bà Ngô Thị Tuyên (SN1956), vợ ông Bình và những đồng trợ cấp chất độc da cam của công. 

Vì thế, khi phóng viên hỏi chuyện, ông liên tục khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má người đàn ông đã không còn đủ sức khỏe để làm trụ cột cho gia đình.

{keywords}
Ông Ngô Doãn Bình liên tục khóc khi PV hỏi về hoàn cảnh gia đình mình

Ông kể, ông nhập ngũ và tham gia chiến trường Lào từ năm 1972, sau đó ông tham gia chiến dịch bắc Kon Tum. Ở đây, ông đã bị thương.

Vết thương ở chân thường hành hạ mỗi khi trái gió trở trời khiến cuộc sống của ông vô cùng khó khăn. Ông không thể làm lao động chính và không thể làm chỗ dựa kinh tế cho cả gia đình khi chỉ phụ giúp vợ làm công việc đồng áng để nuôi con sau khi rời ngũ.

Trông vào đồng lương chế độ không đủ nên họ cố gắng lao động thêm. Bà buôn bán những món lặt vặt ngoài chợ để có đồng ra đồng vào nuôi người cha già và các con. Ông bà có hai người con trai. Cũng may, hai người con được sinh ra trước khi ông tham gia chiến trường nên không chịu ảnh hưởng của chất độc da cam.

Tuy nhiên, sau khi các con lớn, những gánh nặng gia đình không bớt đi mà lại tiếp tục đè nặng lên đôi vai của người đàn ông bệnh tật và người vợ yếu đuối. Trong hai người con đã được dựng vợ gả chồng của ông, một người không mấy khá giả, một người lâm vào bi kịch: vợ đi cải tạo, chồng nghiện ngập.

Ông bà Bình vừa phải đi tiếp tế cho con trai, con dâu, vừa phải nhận nuôi đứa cháu nội mới 12 tuổi. Đã vậy, ông bà còn trách nhiệm chăm nuôi người cha già năm nay 84 tuổi khiến sự khó khăn càng tăng lên gấp bội.

Thế rồi, cách đây 7 tháng, ông Bình bị tai biến. Đêm đến, ông kêu khóc vì đau nhức khiến cả nhà không thể ngủ. Ban ngày, ông tỉnh táo nhưng không làm được bất cứ việc gì để giúp vợ.

“Bình thường, vợ chồng còn làm ruộng, chạy chợ buôn bán vài thứ lặt vặt để kiếm thêm thu nhập. Từ hồi ông ấy trở bệnh, cả ngày không làm được việc gì. Cuộc sống khó khăn cứ chồng chất khó khăn” – bà Tuyên nói.

Cha mẹ già và đứa con hơn 30 năm chỉ biết lê la

Tiếp tục tới thăm một trong những trường hợp nghèo nhất của xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội, chúng tôi gặp gỡ gia đình của ông Hoàng Ngọc Ánh (SN 1953). 

{keywords}
Căn nhà nhỏ, lụp xụp của gia đình ông Hoàng Ngọc Ánh - một nạn nhân chất độc da cam

Căn nhà nhỏ, lụp xụp nằm gọn lỏn trong con ngõ nhỏ khiến chúng tôi bỗng chạnh lòng. Khi bước vào cửa chính của căn nhà cấp 4, chúng tôi gặp một người phụ nữ với gương mặt khác thường ngồi duỗi dài chân và tựa lưng vào tường. Thỉnh thoảng chị lại rú lên những tiếng vô nghĩa. 

Đại diện chính quyền xã Đức Thượng cho biết: Đó là chị Hoàng Thị Thanh (SN 1980) con gái thứ 2 của gia đình ông Ánh. Đây là trường hợp ảnh hưởng di chứng chất độc da cam nặng nhất của xã. Hơn 30 năm nay, ngoài những tiếng la hét, ê a, chị Thanh bị mất khả năng lao động hoàn toàn.

{keywords}
Hơn 30 tuổi, chị Thanh vẫn chỉ biết lê la khắp nhà rồi thét lên những từ vô nghĩa

Bố của chị Thanh, ông Hoàng Ngọc Ánh cho biết, ông tham gia chiến trường Tây Nguyên từ năm 1969. Đến tháng 8/1976 ông trở về. Tháng 8/1978 ông tái ngũ.

Trong quá trình tham gia cuộc chiến tranh, ông đã trực tiếp bị nhiễm chất độc da cam nên hai người con của ông đã bị ảnh hưởng. Trong đó, chị Thanh bị di chứng nặng nề hơn.

“Thanh mất khả năng lao động hoàn toàn. Cả ngày chỉ biết lê la và hét. Đến việc vệ sinh cá nhân, tự xúc cơm để ăn Thanh cũng không làm được”, người cha này nói.

“Thỉnh thoảng, đi vệ sinh, Thanh biết ú ớ ra hiệu cho người nhà hỗ trợ nhưng cũng nhiều lúc Thanh cứ sinh hoạt như người vô thức buộc cha mẹ phải lau dọn” – ông Ánh nói tiếp.

{keywords}
Người mẹ thất thần nhìn đứa con bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam

Còn ông Ánh, kể từ khi từ chiến trường trở về, sức khỏe của ông đã yếu. Ông chỉ hỗ trợ được vợ những công việc nhẹ nhàng. 

Ông bảo, ông bị bệnh khó thở nhất là những lúc đi lại, làm việc nhiều. Bây giờ, cả hai vợ chồng và cô con gái bệnh tật của ông chỉ trông vào đồng trợ cấp chế độ cho người nhiễm chất độc da cam. Còn lại vì sức khỏe già yếu, hai vợ chồng ông chỉ cấy được một sào ruộng. Cuộc sống vô cùng khó khăn.

Nói xong, ông Ánh nhìn xa xăm về khoảng sân nhỏ khiến những người có mặt không nén được tiếng thở dài.

Minh Anh – Ngọc Trang