Hương liệu + đường hóa học + nước = Nha đam đường phèn được quảng cáo có tác dụng giải nhiệt, đẹp da.
Các tin liên quan |
Tại điểm bán nha đam đường phèn trên đường Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM, mới hơn 9g sáng đã thu hút nhiều người mua. Anh Thắng, một người bán dạo tại đây cho biết, mỗi ngày anh bán ít nhất là 150 chai nhựa (300ml).
“Nấu loại nước này khá đơn giản. Để có lãi nhiều, điều quan trọng là biết cách pha chế” - anh Thắng nói. Sau nhiều ngày tìm “thầy” học hỏi để mở điểm bán, tôi được chị Yến (Q.3) truyền “nghề”. Theo chị Yến, các loại nước nha đam bán dạo hầu hết sử dụng hương liệu nha đam và khoảng 30 - 40% lá nha đam để nấu.
Hương nha đam thì mua ở chợ… hóa chất. Người bán đã pha chế bằng cách cho trực tiếp hương liệu nha đam vào nước lạnh. Đem đun sôi, sau đó cho thêm vào một ít lá nha đam để tạo sự hấp dẫn người mua. Còn về vị ngọt, chủ yếu là do đường hóa học tạo nên. Tuy nhiên, đường hóa học có độ ngọt gắt, nên khi nấu, cho thêm vào ít đường phèn để đánh lừa vị giác người uống.
Với công thức pha chế từ nguyên liệu chính là hương liệu nha đam, đường hóa học và nước, người bán có thể pha chế ra hàng trăm chai nha đam đường phèn với giá chỉ từ 8.000 - 10.000đ/chai (500ml).
Tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), có thể dễ dàng mua các loại hương liệu, chất phụ gia. Các loại hóa chất này được chứa trong thùng, can, chai nhựa… bày la liệt trước các gian hàng. Tại gian hàng hương liệu, chất phụ gia của chị M., khi hỏi mua hương liệu dùng để nấu nước “mát”, chúng tôi được chủ hàng nhiệt tình chỉ dẫn cách dùng cho từng loại.
“Ở đây chị bán đủ loại hương như cam, dâu, táo, dứa, chanh dây, nha đam…”. Các loại hương liệu ở chợ Kim Biên được chứa trong các thùng, can nhựa không hề có nhãn mác, nơi sản xuất hay hạn sử dụng. Bên trên thùng, can nhựa được người bán dùng bút lông viết tên loại hương liệu để phân biệt.
(Theo phunuonline)