Trung Quốc làm dấy lên hồi chuông báo động toàn cầu bằng việc sử dụng ưu thế gần như độc quyền về đất hiếm như một công cụ thương mại, và bằng nỗ lực ngăn chặn đa phương hóa giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Những nước láng giềng, còn có một quan ngại sâu sắc khác khi Bắc Kinh đang tìm cách biến nước trở thành một vũ khí chính trị.
VietNamNet giới thiệu bài viết của giáo sư Brahma Chellaney tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi, tác giả cuốn Nước: Chiến trường mới của châu Á.
Đập Tiểu Loan
của Trung Quốc Ảnh: yunnanadventure
Trung Quốc là khởi nguồn của những con sông xuyên biên giới chảy tới nhiều quốc gia nhất trên thế giới - từ Nga đến Ấn Độ, Kazakhstan tới bán đảo Đông Dương. Hầu hết các con sông quốc tế quan trọng đều có dòng chảy từ lãnh thổ Trung Quốc.
Những cơ chế cùng quản lý, hợp tác, chia sẻ tài nguyên nước cho tới thời điểm này đã không thành công. Trên thực tế, việc xây đập thủy điện ở thượng nguồn các con sông quốc tế lớn như Mekong, Brahmaputra hay Amur cho thấy, Trung Quốc ngày càng hướng tới các hành động đơn phương, bỏ qua nỗi quan ngại của những nước vùng hạ nguồn.
Trung Quốc kiêu hãnh vì có cả con đập lớn nhất thế giới (Tam Hiệp) và con số đập thủy điện lớn hơn cả tổng số lượng đập mà phần còn lại của thế giới gộp vào. Họ đã chuyển sự tập trung từ các sông trong nước ra các sông quốc tế, và dần dần từng bước xây dựng những con đập từ lớn tới siêu lớn.
Trong số các đập mới nhất xây dựng trên dòng Mekong có đập Tiểu Loan công suất 4.200 megawatt và độ cao hơn cả tháp Eiffel của Pháp. Các dự án xây đập mới đã được phê chuẩn gồm một đập trên sông Brahmaputra với kích cỡ gấp đôi Tam Hiệp công suất 18.300MW và gần như ở ngay khu vực tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Những hậu quả của việc xây dựng một cách điên cuồng như vậy đã quá rõ ràng. Đầu tiên, Trung Quốc ở vùng nước tranh chấp với hầu hết các nước láng giềng, từ Nga tới Ấn Độ cho đến các quốc gia yếu hơn như Triều Tiên hay Myanmar. Thứ hai, việc họ tập trung vào các dự án siêu thủy điện trên đất đai của các tộc người thiểu số làm dấy lên những căng thẳng, bất mãn vì phải thay đổi chỗ ở, vì lũ lụt. Thứ ba, các dự án đe dọa đến khả năng tái tạo của những con sông quốc tế, từ đó làm ảnh hưởng tới các sông trong nước của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngoài việc có thể tự xưng là vô địch thế giới trong thủy điện, Trung Quốc còn là nhà xây đập lớn nhất ở nước ngoài. Từ Kashmir tới Kachin và Shan của Myanmar, Trung Quốc đang xây dựng những con đập ở nhiều khu vực xảy ra tranh chấp hoặc nổi dậy, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng địa phương.
Đối với các quốc gia vùng hạ nguồn, lo lắng chính là sự mập mờ của Trung Quốc trong các dự án thủy điện. Họ thường bắt đầu hoạt động âm thầm, sau đó đệ trình dự án như điều không thể thay đổi cùng với những lợi ích kiểm soát lũ lụt.
Tồi tệ hơn, mặc dù có những hiệp ước về nước giữa các quốc gia ở phía nam và đông nam châu Á, Bắc Kinh vẫn phủ nhận quan điểm của một thỏa thuận chia sẻ tài nguyên nước. Họ là một trong ba quốc gia duy nhất bỏ phiếu phản đối công ước LHQ năm 1997 về những quy định chia sẻ tài nguyên nước quốc tế.
Và nước đã nhanh chóng trở thành nguyên nhân tranh cãi, bất hòa giữa các quốc gia ở châu Á, nơi bình quân lượng nước sạch tính theo đầu người chưa bằng một nửa mức trung bình toàn cầu. Căng thẳng về nước ngày càng gia tăng đe dọa tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của châu lục và gây rủi ro cho các nhà đầu tư giống như các khoản nợ xấu, bong bóng bất động sản và tham nhũng.
Vì có ảnh hưởng tới nguồn nước của châu Á, Trung Quốc đã tận dụng ưu thế của mình để tác động lên hành xử của các nước láng giềng. Đối với một quốc gia đang kiểm soát đầu nguồn những con sông lớn tại châu Á đồng thời là một cường quốc đang trỗi dậy, với sự tự tin về sức mạnh ngày một lớn, cần có áp lực quốc tế để ngăn chặn Bắc Kinh chiếm nguồn nước chung làm của riêng và khiến họ chấp thuận một số hình thức hợp tác.
Thái An (theo Financial Times)