Chiều cuối tháng 12, ông Trần Thanh Long (55 tuổi, ngụ xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) ra bể xi măng bên hông nhà để kiểm tra đàn rắn ri voi. Ông nói: “Rắn đang mang con, qua Tết đẻ. Vụ này chắc rắn đẻ con nhiều hơn đợt trước”.
“Nhà ít đất đai, nhờ bén duyên với nghề nuôi rắn ri voi, vợ chồng tôi có thêm thu nhập, cuộc sống cũng tốt hơn”, ông Long chia sẻ.
Trước đây, vợ chồng ông Long sống bằng nghề nuôi heo và bán tạp hóa. Gia đình ông đất đai ít nên chỉ có thể xây chuồng chăn nuôi heo, mà không thể đào ao nuôi cá, trồng cây ăn trái như những người khác. Song, heo giá cả bấp bênh, nuôi không có lãi, thậm chí có năm ông Long bị lỗ nặng.
Cách đây khoảng 3 năm, ông Long đặt dớn (loại ngư cụ dùng để bắt cá) dính được 3 con rắn ri voi con. Ông Long thả 3 con rắn vào lu nước bỏ trống nuôi. Không ngờ, 3 con rắn ri voi này thích nghi, phát triển tốt và sinh sản.
“Từ đó tôi ham và đam mê với con rắn ri voi. Sau khi tìm hiểu, thấy con rắn ri voi là đặc sản, giá trị thị trường luôn cao, trong khi loài rắn này trong môi trường tự nhiên không còn nhiều nên tôi quyết định xây bể xi măng bên hông nhà rồi mua thêm rắn ri voi giống về nuôi”, ông Long nói.
Rắn ri voi là loài không có nọc độc, sống ở môi trường tự nhiên nó khá hung dữ nhưng cắn chỉ chảy máu. Còn nuôi trong bể xi măng, lu, tủ kính,... loài rắn này rất hiền. Thịt rắn ri voi thơm, có thể chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng.
Một thời gian sau, đàn rắn sinh sản lớn, ông Long không bán rắn thịt mà giữ lại để chúng sinh sản. “Rắn ri voi nuôi tầm 2 năm là chúng bắt đầu sinh sản”, người đàn ông Tiền Giang nói.
Khi có trong tay một lượng rắn bố mẹ, ông quyết định mở rộng diện tích nuôi. Ông Long cải tạo lại chuồng nuôi heo cũ để nuôi rắn ri voi. Mỗi bể nuôi rắn ri voi của ông Long dài khoảng 2m và rộng 1m, thả nuôi được khoảng 300 con rắn ri voi bố mẹ.
“Tỷ lệ thả rắn là 10 con rắn cái, 3 con đực. Theo kinh nghiệm của tôi, rắn nuôi trong bể hẹp chúng ít di chuyển, dễ bắt mồi nên mau lớn hơn nuôi trong bể rộng”, ông Long cho hay.
Người đàn ông này nói thêm, món khoái khẩu của rắn là cá trê. “Rắn lớn mình cho ăn cá trê lớn; rắn con cho ăn cá nhỏ. Cá trê trước khi thả vào bể rắn thì nên cho ăn thức ăn công nghiệp. Làm như vậy, khi con rắn ăn cá cũng hấp thụ được lượng thức ăn công nghiệp”, ông Long nói.
Hiện ông Long có khoảng 100 con rắn bố mẹ, mỗi con nặng từ 2-4kg. Hằng năm, chúng đẻ gần cả nghìn con rắn con.
“Trước tôi gây dựng được khoảng 300 con rắn bố mẹ. Trong một lần thay nước, do không biết nước dưới kênh bị nhiễm mặn nên tôi bơm vào bể làm rắn chết hàng loạt. Vì vậy, mọi người nuôi rắn ri voi trước khi thay nước phải kiểm tra thật kỹ xem có bị nhiễm mặn, bị ô nhiễm không”, ông Long lưu ý.
Theo lão nông này, rắn ri voi là loài dễ nuôi, nhàn công chăm sóc, ít bệnh. Rắn ri voi sinh sản từ tháng 4-6 âm lịch. Hiện, rắn giống được ông Long bán ra thị trường từ giá 70.000-200.000 đồng/con tùy theo độ lớn.
“Mỗi đợt bán rắn giống tôi thu về hàng chục triệu đồng tiền lãi. Nhờ nguồn lợi từ nghề nuôi rắn ri voi, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định”, ông Long tiết lộ.