- Trước diễn biến mưa bão ngày càng phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND huyện Tương Dương đã có phương án hỗ trợ di dời khẩn cấp 13 hộ dân trên đỉnh núi Pù Căm, tại bản Xộp Mạt, xã Lượng Minh.

Trưa ngày 27/9, ông Hoàng Sỹ Thìn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: “Hiện phương án di dời 13 hộ dân tại bản Xộp Mạt đã được lên kế hoạch, sáng nay người dân đã tự tìm vùng đất để di chuyển nhà đến ở, các hộ chặt tre nứa và huyện hỗ trợ tiền và bạt để căng làm nhà tạm tránh nguy cơ núi lở xuống dòng sông Nậm Nơn.

Nếu thời tiếp tục mưa to thì nguy cơ vùi lấp các hộ dân ở trên vùng núi Pù Căm bị vùi lấp xuống sông là rất lớn”.

 Cây cầu treo nối liền đôi bờ sông Nậm Nơn có nguy cơ bị núi lở vùi lấp bất cứ lúc nào. Ảnh: Q.Huy

Có mặt tại đỉnh núi Pù Căm, nhiều vết nứt từ trên đỉnh núi có độ sâu trụt xuống từ 40 đến 60cm, nhiều đường trụt lún chạy dài dọc lưng chừng và đỉnh núi.

Nứt núi, đã khiến cây cầu độc đạo đi lại của 45 hộ dân và trụ sở UBND xã, Trạm y tế xã Lượng Minh đều nằm trong nguy cơ bị đẩy xuống sông Nậm Nơn. Riêng cây cầu treo đi lại của hàng trăm người dân đi qua “bản không chồng” nay đã bị đẩy cong queo.

Theo kế hoạch của UBND huyện Tương Dương, chiều 27/9 mỗi hộ dân trong diện di dời do lở núi Pù Căm sẽ được hỗ trợ bạt đủ để dựng lên một căn nhà tạm và 10 triệu đồng từ nguồn phòng chống thiên tại của huyện và tỉnh.

hiều vết nứt lớn từ 40 đến 60cm từ trên đỉnh núi Pù Căm chạy xuống chân cầu treo, đe doạ 13 hộ dân đang sinh sống tại đây, buộc phải di dời khẩn cấp. Ảnh: Q.Huy


Cũng theo ông Thìn: “Đồng bào dân tộc thiểu số trên này có truyền thống là khi có gặp nạn thì đông đảo bà con trong xã cũng nhau hỗ trợ, dựng lên căn nhà tạm cho 13 hộ dân trong diện di dời khẩn cấp trên. Dự kiến chiều 27/9, các hộ dân trên sẽ được nhận vật liệu để dựng nhà và tiếp tục di dời tiếp vào ngày mai”.

Trước đó, trong chuyến thực kiểm tra thực tế tại bản Xộp Mạt, xã Lượng Minh, ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã cảnh báo nguy cơ sạt lở núi: “Nếu sạt lở là có nhiều nguy cơ vùi lấp cả nửa con sông Nậm Nơn. Riêng Ban quản lý thuỷ điện Bản Vẽ cũng cần quan tâm chỗ này, để tránh khi núi lở nước dâng gây ngập liên quan đến nhà máy thuỷ điện”.

Hiện tại, phương án khắc phục vết nứt núi của chính quyền địa phương huyện Tương Dương là chưa có. Những ngày tiếp theo mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4 và số 5 sẽ khiến núi Pù Căm đổ sập xuống dòng Nâm Nơn và cây cầu treo sẽ bị vùi lấp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Thanh Hải, Bí thư huyện uỷ Tương Dương cho biết: “Vết nứt trên đỉnh núi Pù Căm là xuất hiện từ mấy năm nay, nhưng lần này là vết nứt trụt xuống rộng và mạnh hơn. Hiện chúng tôi mới có phương án di dời 13 hộ dân tại bản Xộp Mạt, còn hàng chục hộ dân khác tại đây thì phải có sự can thiệp của tỉnh, chứ di dời gần trăm hộ dân như thế thì vượt tầm của huyện”.

Không những chỉ riêng tại đỉnh núi Pù Căm, nếu trời tiếp tục mưa to, nguy cơ vùi lấp các tổ máy phát điện Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ là rất lớn. Bởi công tác khắc phục sự cố lở núi đến thời điểm hiện nay vẫn rất hạn chế giữa ngổn ngang đống sụt lở núi.

Huế: Bão qua, lũ trên các sông dâng cao

Tối ngày 26 rạng sáng 27/9, bão số 4 gây mưa rất to, sấm chớp dữ dội. Đến sáng nay, mưa ngớt nhưng nước lũ các triền sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế ở mức cao.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên – Huế (sáng ngày 27/9), bão số 4 không gây thiệt hại thêm về người và nhà cửa…


Nước lũ trên sông Hương tràn qua Đập Đá. Ảnh: Đ.K

Tuy nhiên, sau bão, nước các con sông ở Thừa Thiên-Huế đang ở mức cao. Mực nước sông Hương và sông Bồ ở mức báo động 2, sông Ô Lâu ở mức báo động 3.  

Theo đó, một số địa phương vùng trũng ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền bị ngập.

Ngay từ chiều 26/9, Thủy Điện Hương Điền (sông Bồ) đã xã điều tiết nước qua 4 cửa van theo lưu lượng nước về hồ để phòng lũ lớn sau bão.


….treo tính mạng trong dòng lũ dữ. Ảnh: Đ.K


Sau khi thủy điện Hương Điền xả nước, cơ quan chức năng đã thông báo cho người dân các xã, thị trấn dọc theo sông Bồ và vùng thấp trũng chủ động ứng phó.  

Mặc dù nước sông Hương ở mức cao nhưng hàng chục người dân vẫn bất chấp nguy hiểm bơi ghe giữa dòng nước xoáy để vớt củi từ thượng nguồn trôi về.


Đến đầu giờ chiều 27/9, trên toàn tỉnh Nghệ An các huyện ven biển đã có mưa vừa và mưa to, các huyện đồng bằng và miền núi có mưa nhỏ.

Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An cho biết, bão Nesat là một cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, rất nguy hiểm đối với tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực giữa và Bắc Biển Đông. Ngoài ra, bão Nestat có thể đổ bộ trùng với thời điểm đợt gió mùa đông bắc mạnh tràn xuống sẽ gây mưa rất lớn, diện rộng ở các tỉnh từ Bắc Bộ đến Trung Trung Bộ.

Để chủ động đối phó với diễn biến của bão Nesat, Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đề nghị Chủ tịch; Trưởng ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn các huyện; thành; thị; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; Giám đốc các công ty, xí nghiệp thuỷ lợi và Giám đốc Công ty thủy điện Bản Vẽ, tích cực chủ động phòng chống bão.


Quốc Huy - Đăng Khoa