Một năm phá hơn 200ha

Vừa mới dùng hóa chất phun cho 1ha cây gai xanh chết cháy, ông Đinh Sỹ Cảnh (SN 1972, thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cho biết, nhà ông có diện tích hơn 2,5ha đất đồi trồng mía. Năm 2020, gia đình nghe chính quyền vận động trồng cây gai xanh cho thu nhập cao nên háo hức chuyển đổi cây trồng. 

Đất nhà ông thuộc loại đất màu, cũng khá tốt. Năm đầu tiên trồng cây gai phát triển rất xanh tốt, chu kỳ thu hoạch được 4 lần/năm. Tuy nhiên, hai lứa đầu và cuối cây không thể phát triển được do trời lạnh nên năng suất không cao. Một năm, vợ chồng ông hạch toán cũng chỉ lãi được khoảng 70 triệu đồng.

W-a4gggggggggg.jpg
Gia đình ông Cảnh vừa phun hóa chất phá bỏ 1ha cây gai xanh.

Theo lý giải của ông Cảnh, sở dĩ gia đình ông phá bỏ 1ha để quay lại trồng mía là vì năng suất thực tế của cây gai không bằng cây mía. Chi phí lại quá tốn kém. Đơn cử, để làm được 2,5ha gai xanh, gia đình ông phải làm gần như quanh năm, không có thời gian nông nhàn. Mỗi vụ thu hoạch phải thuê tới 20 người, thậm chí không có người để thuê nên rất bị động.

“Mỗi vụ nhà tôi phải thuê tiền công hết 40 đến 50 triệu, một năm chi phí tổng khoảng 200 triệu đồng. Hai năm trở lại đây, giá nhân công tăng cao, tiền phân bón cũng cao nên thu hoạch cây gai chỉ đủ trả công. Không những thế, nhà máy còn nợ tiền, chậm nhập sợi”, ông Cảnh chia sẻ.

Cũng như gia đình ông Cảnh, nhà ông Hà Đắc Liên (bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), sau khi được chính quyền xã vận động, tháng 5/2022, đã thu hoạch 1,3ha keo non mới được 3 năm tuổi để trồng cây gai xanh.

Dù được chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn, nhưng cây không lớn. Thân cây được 50cm, lá đã úa vàng, ra hoa, ra quả. Đầu năm 2023, gia đình ông Liên đã báo chính quyền địa phương rồi nhổ bỏ cây gai xanh để trồng mía. Hiện tại, cây gai xanh khiến nhà ông lỗ hơn 70 triệu đồng.

W-a1gggggggggg.jpg
Hai vụ đầu năm và cuối năm, năng suất cây gai không cao do thời tiết lạnh.

Báo cáo của Chi Cục trồng trọt (Sở NN-PTNT Thanh Hóa) cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh là hơn 930ha/18 huyện. Trong đó, tập trung trồng nhiều nhất là huyện Cẩm Thủy hơn 413ha, huyện Thạch Thành 108,9ha, Bá Thước hơn 91ha...

Tuy nhiên, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 219ha bị phá bỏ chuyển đổi sang cây trồng khác. Nhiều huyện số diện tích trồng bỏ hơn một nửa như huyện Ngọc Lặc, Như Xuân, Bá Thước... Đặc biệt, huyện Yên Định có tổng diện tích 10,2ha đã phá bỏ hoàn toàn. Huyện Thạch Thành phá bỏ 78,3ha/108,9ha; huyện Lang Chánh có hơn 60ha nay cũng chỉ còn lại một vài hecta.

Chờ doanh nghiệp đồng hành

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Thanh Hóa), cho biết, trong 3 năm qua, việc phát triển vùng nguyên liệu gai xanh ở nhiều địa phương đã đạt kết quả tích cực. Đây được xem là cây “xóa đói giảm nghèo” và còn mang lại thu nhập cao cho người dân.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2022, việc thu mua sản phẩm sợi gai của nhà máy gặp nhiều khó khăn, hàng bị tồn, nhiều thị trường đóng cửa nên việc thanh toán kinh phí mua sợi gai bị chậm. Ngoài ra, việc thu hoạch và sơ chế gai tại nông hộ rất phức tạp, cần thực hiện nhanh và tốn rất nhiều công lao động, trong khi lao động nông thôn tại địa phương ngày càng thiếu. Từ đó đã ảnh hưởng đến tâm lý thâm canh, chăm sóc và phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh.

“Ngoài vùng nguyên liệu hơn 930ha, năm 2023 trên địa bàn tỉnh phát triển thêm hơn 30ha. Tuy nhiên, tỷ lệ chặt phá, chuyển đổi cây trồng cũng khá cao, lên đến gần 220ha”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, ngoài những nguyên nhân trên, không thể không nói đến yếu tố kinh nghiệm phát triển vùng nguyên liệu của Công ty CP Nông nghiệp An Phước còn hạn chế, thiếu các giải pháp, thiếu chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để hình thành các tổ, trạm phát triển vùng nguyên liệu.

Gai xanh là cây trồng một lần, cho thu hoạch nhiều năm. Cây dễ trồng, ít sâu bệnh và thích hợp trên nhiều chân đất khác nhau. Song, để “giữ chân” được người dân trồng cây gai xanh, cần phải nghiên cứu các giải pháp cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế... nhằm hiện đại hóa nghề trồng gai; nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản xuất.

W-b1hhhhhhhhhh.jpg
Nhà máy sợi An Phước tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

“Để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, Sở NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo Công ty An Phước và chính quyền địa phương đôn đốc khẩn trương thanh toán các công nợ (nếu có) cho người dân trong thời gian sớm nhất. Đề nghị công ty nhập hàng tồn cho dân, tránh tình trạng hàng tồn kho quá lâu bị hư hỏng, đến khi công ty thu mua lại không nhập được hàng”, ông Trung thông tin.

Theo đại diện của Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramia, hiện phía công ty đã thanh toán tiền chậm cho người dân, đồng thời tiếp tục thu mua sợi tồn của bà con.

“Nguyên nhân của việc trễ là do thời gian qua, công ty tổ chức tái cơ cấu lại. Chưa kể, ngành dệt may khó khăn trên toàn thế giới, An Phước cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, đây là hàng hữu cơ, sản phẩm rất dễ bị mối mọt nên đợt vừa rồi phải tạm dừng để khử khuẩn, khử kho.

Thời gian tới, công ty sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo chiều sâu. Nhân viên kỹ thuật sẽ đồng hành cùng bà con. Chúng tôi sẽ đưa công ty phân bón vào để cung ứng (tạm ứng) cho người dân, để họ không phải lo lắng về vấn đề đầu tư”, vị đại diện công ty nói.