Điều tra dân số 2011 cho thấy một sự tụt giảm nghiêm trọng về số bé gái dưới 7 tuổi. Các nhà hoạt động lo ngại 8 triệu thai nhi nữ có thể đã bị phá bỏ trong thập niên qua.

Phóng viên BBC Geeta Pandey tìm hiểu nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này.


Trẻ em Ấn Độ.


Kulwant có 3 con gái tuổi 24, 23 và 20 cùng một con trai 16 tuổi. Trong khoảng thời gian giữa con gái thứ 3 và con trai được sinh ra, Kulwant mang thai 3 lần nhưng đều phải phá bỏ vì bị gia đình kỳ thị sau khi siêu âm cho thấy chúng là gái.

"Mẹ chồng tôi mắng nhiếc tôi vì sinh toàn con gái. Bà nói con trai bà sẽ li dị tôi nếu tôi không đẻ con trai", Kulwant tâm sự.

Người phụ nữ này vẫn còn nhớ rõ lần phá thai đầu tiên: "Đứa trẻ gần 5 tháng tuổi. Nó rất đẹp. Tôi rất nhớ con, và những đứa khác mà chúng tôi đã bỏ".

Trước khi cậu quý tử chào đời, cuộc sống hàng ngày của Kulwant toàn là cảnh đánh đập và lạm dụng của chồng, mẹ chồng và anh chồng. Một lần, họ còn định châm lửa đốt cô. 

"Họ rất tức giận. Họ không muốn con gái trong nhà. Họ muốn con trai để sau này có thể nhận những món hồi môn lớn", Kulwant nói. 

Ấn Độ đã cấm của hồi môn từ năm 1961 song thực tế này vẫn phát triển mạnh mẽ với giá trị của các món hồi môn tăng liên tục, ảnh hưởng tới cả người giàu lẫn người nghèo. 

Chồng của Kulwant chết cách đây 3 năm sau khi đứa con trai chào đời. "Đó là lời nguyền của những đứa con mà chúng tôi đã giết bỏ. Đó là lý do anh ấy chết trẻ như vậy", cô thổn thức.  

Hàng xóm của Kulwant, Rekha, là mẹ của một bé gái 3 tuổi mũm mĩm. Hồi tháng 9 năm ngoái, khi cô mang thai lần nữa, mẹ chồng cô bắt cô phải đi phá thai vì siêu âm cho thấy cái thai là bé gái.

"Tôi nói không có sự khác biệt giữa con trai và con gái. Nhưng ở đây người ta nghĩ khác. Không hề có hạnh phúc khi một bé gái được sinh ra. Họ nói con trai sẽ nối dõi tông đường còn con gái sẽ đi lấy chồng và thuộc về gia đình khác". 

Kulwant và Rekha sống ở Sagarpur, một khu vực trung lưu ở tây nam Delhi. Câu chuyện của họ không có gì mới mẻ mà giống như ở hàng triệu gia đình khác trên toàn Ấn Độ. Không những thế, sự phân biệt này còn ngày càng tồi tệ hơn.  

Năm 1961, cứ 1.000 bé trai dưới 7 tuổi thì có 976 bé gái ở Ấn Độ. Ngày nay, con số này giảm xuống còn 914 bé gái. Tỷ lệ bé gái/bé trai của Ấn Độ thuộc hàng tồi tệ nhất thế giới sau Trung Quốc. 

Thanh Hảo (Theo BBC)