Sống cạnh ông bà, bố mẹ, những người luôn định kiến về chuyện đàn ông ở rể, nên từ nhỏ tôi cũng “ăn theo” quan niệm xưa cũ ấy. Trớ trêu thay, tôi bây giờ lại chính là thằng đàn ông ở rể… chuyên nghiệp.

Lập nghiệp ở thành phố, lấy vợ thành phố, vợ chồng tôi từng có nhà riêng từ đôi bàn tay trắng. Cha mẹ vợ có hai người con, là vợ tôi và anh hai. Ngày tôi về làm rể, cha mẹ vợ còn đương chức. 

Tôi lớn lên ở nông thôn, vì nghèo nên bản thân đầy lòng tự trọng: không màng của cải nhà vợ, luôn phấn đấu để được người khác tôn trọng… Anh hai lấy vợ, ở chung với ba mẹ. Chị dâu và mẹ vợ không hạp tính, trong nhà thường xảy ra những “đợt sóng ngầm". Anh hai quyết định ra riêng để mong “giữ hòa khí” đôi bên. Thời điểm này, ba mẹ vợ nghỉ hưu, cũng là lúc bệnh tật ập đến. 

Ông bị tai biến, đi phải chống gậy. Bà bị khớp, chân cẳng cứ sưng tấy, đau nhức. Một bữa, anh hai mời tôi đi nhậu. Vòng vo mãi, cuối cùng anh mở lời bảo vợ chồng tôi bán nhà, về sống chung với ba mẹ, vì ba mẹ rất hạp với con gái (là vợ tôi), mà tôi cũng là thằng rể… dễ thương. Đụng tới điều nhạy cảm, tôi trả lời anh hai thẳng thừng “vụ này nhất định là không được rồi”. 

Tôi thà qua chăm nom, săn sóc, rồi về nhà riêng, chứ không cho phép mình “ở rể”. Thế là mỗi tối, dù ba mẹ không yêu cầu, anh hai và vợ tôi vẫn thay phiên nhau ở lại chăm sóc ông bà. Tôi cũng cắt bớt thời gian bên ngoài, lo về chăm sóc con cái, đỡ đần cho vợ.

Tôi kể về “lời mời ở rể” của anh vợ cho ba mẹ ruột ở quê nghe. Ông bà khuyên tôi giữ vững lập trường, điều ấy càng củng cố quan điểm của bản thân tôi. Một hôm, tôi thưa chuyện với ba mẹ vợ là muốn ông bà qua sống cùng với gia đình nhỏ của tôi. 

Ông bà lắc đầu từ chối, vì họ đã quen sống trong không gian thoáng đãng, có vườn cây xanh, và mọi ngóc ngách trong nhà đều là kỷ niệm khó phai. Thế rồi, dù biết tôi ghét chuyện ở rể, ông bà vẫn không ngại nói ra điều khó nói, hy vọng vì hoàn cảnh gia đình mà tôi thay đổi. Ba mẹ vợ, anh vợ, rồi vợ, cả chị dâu đều… chĩa tầm ngắm vào tôi, khiến tôi loạng choạng, chao đảo. 

Vợ tôi bảo, dù về sống với ba mẹ, nhưng chúng tôi vẫn giữ lại căn nhà riêng của hai vợ chồng để sau này cho con cái, trước mắt là cho thuê. Về “bển”, được sống trong gia đình ba thế hệ, tôi biết người sung sướng, hạnh phúc nhất là vợ. 

Lẽ ra vợ chồng anh hai phải “gánh” tuổi già cha mẹ, nhưng lại vì hoàn cảnh... tôi quyết định dẹp những định kiến về việc “ở rể” vì những khó khăn của gia đình bên vợ.

{keywords}

Chúng tôi khăn gói dọn nhà sang bên ấy, và không quên báo tin cho ba mẹ ruột ở quê. Ai cũng bảo tôi “dại”, vì cho rằng tôi không màng vật chất nhà vợ, đùm túm về bên ấy làm gì để mang tiếng “ở rể”. 

Nhưng nếu chỉ nghĩ vậy cho bản thân, tôi thấy mình ích kỷ thật. Cái sự “ở rể” muôn màu muôn vẻ mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Sống bên cha mẹ vợ, tôi càng thương sự cô đơn tuổi già, nếu không có con cái bên cạnh. Khuya, ba vợ tôi lọ dọ tìm gậy để vào nhà vệ sinh. 

Nói gở, nửa đêm nhỡ ông té thì chẳng biết chuyện gì xảy ra. Tôi ân hận về quan điểm “ở rể” khá cứng nhắc của mình trước kia, mong muốn làm điểm tựa để ba mẹ vợ hạnh phúc hơn với quãng đời ít ỏi còn lại.

Từ ngày tôi ở rể, vợ chồng anh hai yên tâm lắm, nhưng không bỏ mặc chúng tôi, vẫn tranh thủ đi đi về về khi rảnh rỗi. Anh ấy và ba mẹ vợ luôn hàm ơn tôi, trao cho tôi toàn quyền quyết định về cuộc sống bên vợ. Bây giờ, tôi đã thấy nhà vợ thoải mái như nhà mình, không còn suy nghĩ cảnh sống “chui gầm chạn” như trước.

Tôi bảo tôi “ở rể chuyên nghiệp” là vì tôi cảm thấy mình không chỉ là con rể, mà như đứa con trai được cha mẹ vợ hết sức tin tưởng. Bản thân tôi luôn cầu tiến, luôn cư xử khiến người khác tôn trọng mình. 

Có lẽ nhờ thế mà tôi chủ động mọi chuyện, và cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ khi sống bên cạnh những người thân yêu bên nhà vợ.

(Theo Phunuonline.vn)