Gia đình chị Mai Hương nằm ngay ở quận Ba Đình. Ở trung tâm thành phố, mọi chi tiêu đều đắt đỏ khiến người nội trợ như chị luôn phải cân đo đóng đếm làm sao để tiêu pha phù hợp với mức lương của cả hai vợ chồng.

Gia đình chỉ gồm 5 thành viên. Hai vợ chồng chị, một con nhỏ 2 tuổi, một bé mới sinh 3 tháng và một chú em chồng. Chị Mai Hương cho biết: "Một tháng bé 2 tuổi nhà chị đi học hết khoảng 5 triệu. Bỉm sữa cho 2 bé hết khoảng 2 triệu. Quần áo thì được cho và tặng nhiều, đủ dùng nên tôi mua không quá đáng kể". 

{keywords}
Gia đình chị Mai Hương.

Một tháng gia đình chị Mai Hương mất khoảng 2 triệu/tháng tiền điện nước. Tiền taxi đi lại, tiêm phòng cho con khoảng 1 triệu. Còn lại 1,5 triệu phục vụ các khoản phát sinh khác như giấy ăn, giấy vệ sinh, xà phòng, bột giặt, nước rửa bát... hết cái gì thì mua cái đấy. Đặc biệt, chị Mai Hương sẽ cố gắng để các khoản chi cho ăn uống gia đình chỉ nằm trong khoảng 6triệu/tháng.

Và để có mức chi tiêu hợp lý này, chị Mai Hương cho biết, bản thân cũng áp dụng một số mẹo mà bản thân cho là hợp lý.

Mua đồ ăn ở siêu thị theo số lượng lớn

Chị Mai Hương cho biết, do mức thu nhập của gia đình còn chưa dư dả, cộng với việc có kế hoạch mỗi tháng chỉ tiêu khoảng 6 triệu đồng cho việc ăn uống nên chị cũng không dám mua thực phẩm tại các cửa hàng thực phẩm sạch vì chi phí khá đắt đỏ.

Thay vào đó, chị thường mua đồ ăn tại các siêu thị theo khối lượng lớn để tiết kiệm chi phí. Mỗi tuần chị Mai Hương thường đi Vinmart 1 lần, hết khoảng 1,3 triệu. Ngoài ra, thỉnh thoảng lỡ quên mua đồ chị sẽ chạy xe ra chợ để vừa tươi ngon mà mức giá lại rẻ.

Ngoài ra, chị Hương cũng không mua hoa quả ngoại. Thay vào đó là các hoa quả như cam canh, dưa hấu, thanh long, roi, táo ta, mít, ổi, đu đủ, hồng xiêm mùa nào thức nấy.

Gạo ăn của gia đình là loại BC chỉ khoảng 150k/yến khá dẻo thơm ngon. Theo chị Hương, gạo trên thị trường thường khoảng 200k, có những loại gạo tới 300k tới 500k/yến nhưng chị thấy không cần thiết.

Bé 2 tuổi nhà chị cũng chỉ tốn tiền sữa còn lại con ăn uống ở lớp. Ngoài ra, buổi tối con cũng ăn uống cùng cả nhà chứ không có chế độ ăn riêng. Hôm nào ăn món khô hoặc cay quá con không ăn được thì chị mới tráng thêm trứng cho con. Trộm vía bé nhà chị ăn cũng ngon miệng nên khá bụ bẫm đáng yêu.

Ngoài ra, buổi sáng ở gia đình chỉ có 2 mẹ con nên chị cũng thường ăn bánh mỳ với phô mai, hoặc xào mì với trứng, hấp bánh bao. Trưa thường 1 - 2 người thì ăn đơn giản, hâm lại thức ăn tối hôm trước hoặc nấu thêm canh, rang thịt, rán đậu.

Nếu chưa hết tuần mà đã hết đồ ăn thì chị sẽ chủ động nấu các món chi phí rẻ như đậu phụ, trứng (trứng chị sẽ gửi mua ở quê 25k/chục) trong 1 - 2 ngày còn lại tránh vì hết tiền mà vẫn bày vẽ món nọ món kia.

Tận dụng đồ quê

{keywords}
 

Gia đình có ông bà ở quê rất thương con cháu nên mỗi lần chị Mai Hương tiện xe sẽ gửi nhờ ông bà. Tuần nào mà ông bà gửi đồ ăn lên thì chị Mai Hương thường gửi tiền ông bà khoảng 700k. Thường 1 tháng 4 tuần thì ông bà sẽ gửi khoảng 2 tuần còn 2 tuần chị sẽ tự đi siêu thị mua. Tính ra 1 tháng đi chợ hết 4 triệu.

Một số thứ như trứng, thịt lợn, gà, ngan, vịt, một vài loại rau là thực phẩm mà ông bà hay gửi lên cho vợ chồng chị. Đồ nhà gửi lên vừa sạch vừa an toàn nên chị Hương khá yên tâm. Cũng nhờ vậy mà gia đình chị tiết kiệm thêm được một khoản.

Tuy nhiên, ở quê ông bà không có thịt bò hay tôm cá gửi lên nên muốn đổi món bắt buộc chị vẫn phải đi siêu thị hàng tuần.

Hạn chế ăn đồ hải sản

Gia đình chị Mai Hương ít khi mua các loại hải sản cao cấp. Như tôm, cá chị vẫn mua cho gia đình thưởng thức hàng ngày. Còn với các loại cua, biển, ghẹ, mực thì chỉ lúc nào gia đình có khách chị mới mua.

Ngoài ra, chị Hương cũng thích ăn cá nên hay mua cá theo cả con về chia ra ăn dần cho kinh tế. Nhà chị thường mua cá trắm đen, cá chép, cá nheo, thỉnh thoảng mua cá basa, bạc má... Tôm thì thường mua tôm sông hoặc tôm đông lạnh. 

Tuân thủ đúng số tiền đã đặt ra

{keywords}
 

Theo chị Hương, chị không hề sử dụng app chi tiêu hay ghi lại từng món thực phẩm mà mình đã mua. Thay vào đó, chị tự ước lượng và co kéo để khoản chi vừa khớp với con số 6 triệu.

"Mình không tính toán chi li từng khoản một như mua gì, tiêu gì, bao tiền giống như nhiều chị em bỉm sữa khác. Mà với mình, đầu tháng sẽ để 1 khoản đúng 6 triệu để ăn. Tính ra mỗi ngày khoảng 200.000 đồng. Mình sẽ làm sao co kéo để không vượt quá thôi".

"Khi đi chợ mình sẽ cố gắng mua thứ mình cần và không mua thứ mình thích. Và mua với số lượng vừa đủ. Ngoài ra, mình cũng không đi chợ lúc đói vì lúc đói hay mua vượt quá nhu cầu thực sự".

Bản thân chị Mai Hương cảm thấy chi tiêu ăn uống trong 6 triệu như vậy là ít so với mức thu nhập của gia đình cũng như so với việc đang sống ở trung tâm Hà Nội. Nhưng theo chị ít tiền thì ăn kiểu ít tiền, khéo co thì 6 triệu vẫn đủ ăn ngon với những nguyên liệu bình thường và biết cách chế biến.

(Theo Nhịp Sống Việt/ Tổ quốc)