Đưa tấm thiệp cưới cho tôi, Phương Nga, cô bạn thân, cười như mếu: “Lỡ rồi nên phải làm chứ bây giờ nản lắm, chẳng muốn lấy chồng”. Tôi hỏi mãi, Phương Nga mới kể...
Mẹ chồng mê bói toán
Phương Nga và Đức Minh yêu nhau từ thời sinh viên. Tình yêu của họ bền chặt cho đến lúc ra trường. Thế nhưng sau đó, bạn bè cùng lớp đã nên vợ nên chồng, con cái đùm đề mà họ vẫn chưa chịu cưới. Nguyên nhân: Gia đình Đức Minh chê gia đình Phương Nga nghèo. Mẹ của Minh luôn tìm cách nói cạnh khóe, cho rằng Phương Nga yêu con trai bà là vì nhắm tới của cải, tiền bạc của nhà mình. Tự ái, Phương Nga đã muốn chia tay nhưng rồi lại không thể vì thấy Đức Minh yêu mình thật lòng.
Không ngăn cản được con trai, cuối cùng, mẹ Đức Minh đành phải chấp nhận. Nhưng gần đến ngày cưới, không biết bà xem bói toán thế nào mà bảo Phương Nga phải đi thẩm mỹ viện cắt mắt hai mí cho “dễ dạy”. Ngày cắt mắt về, hai mắt sưng to, đau nhức, Phương Nga chỉ biết tấm tức khóc một mình.
Chưa hết, mẹ chồng tương lai còn bảo phải để bà mua áo dài cưới. “Nhưng ngày cưới đã cận kề mà vẫn chưa thấy áo cưới đâu nên hai đứa bàn nhau đi chọn một bộ thật đẹp. Nào ngờ, vừa biết chuyện, bà đã mắng nhiếc đủ điều về tội vô phép. Bà bảo mua áo dài cưới phải chọn ngày, chọn giờ mới được cắt vải. Thiệt... hết chịu nổi”- Phương Nga than thở.
Hạnh phúc của đôi bạn mới là điều quan trọng. |
Còn chị Lệ Thanh (hẻm 650 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3- TPHCM), dù đám cưới đã hơn một năm nhưng chị chồng của chị vẫn không nhìn mặt em dâu vì tội “cãi lời”. Chuẩn bị đám cưới, chị chồng của Lệ Thanh bảo: “Em phải may áo cưới màu đỏ, thêu hình con phụng thì mới may mắn”. Lệ Thanh chỉ vâng dạ cho qua chuyện vì rất ghét màu đỏ, lại còn bảo thêu hình phụng thì thật là “sến”. Vậy nên thay vì may áo cưới màu đỏ, Lệ Thanh lại may màu trắng, kiểu cách tân hiện đại. Ngày rước dâu, vừa thấy chiếc áo cưới, chị chồng của Lệ Thanh đã đùng đùng bỏ về.
Mới đây, anh Lê Khang (Công ty A.D, quận Bình Thạnh- TPHCM) đã phải cầu cứu đến trưởng phòng của mình: “Chắc em phải suy nghĩ lại chuyện đám cưới. Chưa cưới nhau đã thế này, đến lúc về sống chung thì còn đến cỡ nào nữa! Chị làm sao nói với cô ấy giùm”. Chuyện là cô vợ sắp cưới của Khang đòi phải mua bằng được chiếc áo cưới nhập từ Ý về với giá hơn chục triệu đồng vì “đời người chỉ có một lần”. Khang không đồng ý vì thấy lãng phí, trong khi hai người vẫn phải ở nhà thuê. “Chưa hết, cô ấy còn đòi ngày rước dâu, gia đình em phải mang qua 10 mâm quả vì ba mẹ đã “lỡ khoe” với bà con, hàng xóm là con họ lấy chồng giàu. Em không đồng ý, thế là cãi nhau ì đùng”- Khang vò đầu bứt tóc.
Tan đàn xẻ nghé
Chuyện của Minh Tùng và Xuân Thùy (cùng làm Công ty P.T, quận 3 - TPHCM) còn rắc rối hơn. Khi nghe Tùng cưới vợ, ai cũng bảo anh may mắn vì “rơi vào hũ vàng”. Thùy là con gái duy nhất của giám đốc một công ty địa ốc, còn ba má của Tùng chỉ là công chức bình thường.
Ngày nhà trai qua nhà gái để bàn chuyện cưới xin, ba của Thùy nói thẳng: “Gia đình tôi là gia đình danh giá, tiếng tăm. Tôi chỉ có mình con Thùy nên phải tổ chức đám cưới cho đàng hoàng. Tôi định chọn khách sạn Park Hyatt vì khách mời của tôi là những người có tên tuổi”. Nghe vậy, ba Tùng thủng thẳng: “Gia đình tôi thì không khá giả nên chỉ muốn tổ chức đám cưới đơn giản, mời những người thân thiết thôi”. Vừa nghe vậy, ông sui gái đã nói: “Nếu anh sợ tốn kém, phần chi phí để gia đình tôi lo”. Đến lượt ông sui trai nóng mặt: “Tôi cưới dâu chứ đâu phải gả con trai đi ở rể? Phải thì cưới, không phải thì thôi”.
Cứ thế, cuộc đấu khẩu ngày càng gay gắt, đỉnh điểm là ông sui trai kéo con mình về và tuyên bố: “Không cưới hỏi gì hết”.
Theo Người lao động