Ngày bầu cử dường như đã không còn là thời khắc để ca tụng tính ưu việt của nền dân chủ mà là để cảm ơn trời rằng chiến dịch tranh cử rồi cũng kết thúc.

Sau gần hai năm vận động tranh cử, hàng chục cuộc tranh luận, hàng tuần bầu cử đại diện, hàng nghìn quảng cáo truyền hình và tiêu tốn hai tỷ đô, chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ đã đến hồi kết thúc. Hôm nay, người dân Mỹ sẽ đi đến các điểm bỏ phiếu và chọn ra một tổng thống.

Một số người Mỹ yêu ngày bầu cử. Đó là cơ hội để họ tham gia tiến trình lựa chọn nhà lãnh đạo. Giàu hay nghèo không thành vấn đề, lá phiếu của mỗi người đều có ý nghĩa như nhau. Tại các điểm bỏ phiếu, bạn xếp hàng cùng bạn bè và hàng xóm. Một số sẽ bỏ phiếu cho ứng viên mà bạn yêu thích, những người khác có thể chọn ứng viên đối thủ. Nhưng không vấn đề gì, mọi người vẫn là bạn bè.

Vào đêm bầu cử, những người hàng xóm sẽ tụ tập để xem kết quả bầu cử tường thuật qua truyền hình. Các chiến dịch tranh cử có thể kéo dài mãi, nhưng việc kiểm phiếu, hầu hết thực hiện bằng máy điện tử, được thực hiện khá nhanh chóng. Vào cuối ngày bầu cử, người dân Mỹ lên giường đi ngủ khi đã biết ai thắng cử. Một số hạnh phúc vì ứng viên của họ giành chiến thắng, số khác buồn rầu. Nhưng vào buổi sáng hôm sau là lúc chấp nhận kết quả và cuộc sống lại tiếp diễn bình thường.

Dường như đó là một bức tranh tươi đẹp: dân chủ đã phát huy tác dụng. Nhưng những hình ảnh và truyền thống mà chúng gợi ra đó, lại che giấu đi những khiếm khuyết nghiêm trọng trong cách thức người dân Mỹ hiện nay lựa chọn nhà lãnh đạo. Tiến trình bầu cử hiện tại ở Mỹ là một nỗi hổ thẹn quốc gia và chỉ được vài người bênh vực. Chưa khi nào thực tế đó lại rõ ràng như cuộc bầu cử năm nay.

Trước hết, cuộc bầu cử đã ngốn quá nhiều thời gian. Các nền dân chủ châu Âu thường tiến hành bầu cử trong chỉ vài tuần. Trong khi đó, tiến trình bầu cử ở Mỹ kéo dài hàng năm trời. Điều này dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng. Nó ngăn cản những ứng viên tốt có thể tìm kiếm đề cử bởi họ không thể dành đủ thời gian để đi vận động như yêu cầu.

Điều không thể tránh khỏi là bầu cử sẽ phủ bóng lên tiến trình cầm quyền, và bầu cử càng kéo dài thì việc điều hành chính phủ càng bị ảnh hưởng. Một nửa nhiệm kỳ tổng thống giờ đây dành để chuẩn bị cho bầu cử. Mọi quyết sách điều hành, mọi sáng kiến chính sách đều được nhìn nhận như một hành động chính trị và nhằm những động cơ chính trị. Tiến trình ra chính sách ở Mỹ thường bị gây khó dễ ở khâu lập pháp và giờ bầu cử càng khiến cho tiến trình đó trở nên bế tắc hơn. Dường như lúc nào cũng sẽ có một cuộc bầu cử vậy.

Ảnh: Telegraph.co.uk

Tổng thống Obama thường bị chỉ trích trong cuộc bầu cử lần này vì ông đã không thực hiện được những lời hứa trong chiến dịch tranh cử 2008. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự thất bại của ông là kết quả của sự chống đối quyết liệt của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, những người không muốn Tổng thống giành được thành tích đáng kể giúp ông tái đắc cử. Mitch McConnell, thủ lĩnh Cộng hòa ở Thượng viện đã tuyên bố thẳng thừng hồi tháng 10/2010 rằng: "Ưu tiên số một của tôi là đảm bảo Obama sẽ là tổng thống một nhiệm kỳ".

Tiếp đến là vấn đề tiền bạc. Kể từ năm 1960, các cuộc bầu cử ở Mỹ ngày càng trở nên tốn kém. Tuy nhiên, chính cuộc bầu cử 2012 mới vượt mọi kỷ lục về chi tiêu. Một chiến dịch tranh cử dài sẽ tốn kém hơn những chiến dịch ngắn. Việc các chiến dịch tranh cử ngày càng kéo dài đã buộc các ứng viên phải cố gắng vận động quyên góp và tiêu tốn nhiều tiền hơn.

Nhưng không chỉ riêng các ứng viên. Giờ đây, các nhóm độc lập, thường được tài trợ bởi một vài nhân vật giàu có, đã chi tiêu hàng chục triệu đô la để giúp ứng viên mà họ ưa thích, cũng như làm suy yếu ứng viên họ phản đối. Gần đây, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã dỡ bỏ nhiều hạn chế từng một thời ngăn cấm các tập đoàn và giới nhà giàu chi tiền cho chiến dịch tranh cử. Khi Tòa mở các cánh cửa này, lập tức tiền đã lũ lượt đổ vào.

Phần lớn trong số tiền hàng tỷ đô la đó được rót vào quảng cáo truyền hình. Ai đó có thể nhìn nhận hiện tượng này dưới khía cạnh tích cực, nếu như các thông điệp trên truyền hình giúp các cử tri có thêm thông tin để lựa chọn, khi các quan điểm chính sách của các ứng viên về những vấn đề quan trọng được giải thích chính xác, cũng như hình ảnh tích cực của ứng viên được truyền tải đến cử tri. Thế nhưng, hầu hết thời gian các quảng cáo truyền hình lại gây ra tác dụng ngược lại. Chúng bóp méo hồ sơ thành tích và quan điểm của các ứng viên, và hình ảnh của các ứng viên mà chúng phác họa thường xấu xí và tàn ác.

Chán ngấy với một thực đơn chỉ toàn những quảng cáo tiêu cực, bóp méo thông tin,  người dân Mỹ đã chọn cách quay lưng. Hiếm có khi nào mà sự hào hứng dành cho các ứng cử viên lại xuống thấp như bây giờ. Cũng chưa có khi nào người dân Mỹ lại cảm thấy khó chịu với tiến trình bầu cử như bây giờ. Ngày bầu cử dường như đã không còn là thời khắc để ca tụng tính ưu việt của nền dân chủ mà là để cảm ơn trời rằng chiến dịch tranh cử rồi cũng kết thúc.

Một số người Mỹ sẽ đi bỏ phiếu với ý thức về nghĩa vụ công dân nhưng chẳng mấy hào hứng. Nhiều người khác, gần 90 triệu, sẽ không đi bỏ phiếu. Đối với họ, cuộc bầu cử lần này không đem đến hào quang của dân chủ, thay vào đó là nỗi thống khổ vì sự vượt quá giới hạn của nó. Đơn giản là những người này từ chối tham gia vào một tiến trình mà họ cảm thấy chán ghét.

Thật đáng xấu hổ khi chúng ta giờ đây phải thừa nhận sự thật rằng một chiến dịch kéo dài như vậy lại hầu như không khiến cho công chúng cảm thấy phấn chấn hơn hay giúp làm tươi mới lại "tâm hồn chính trị" của một quốc gia.

Gs Calvin Mackenzie (ĐH Colby, viết riêng cho Tuần Việt Nam từ Hoa Kỳ)

Xem thêm các bài của Tuần Việt Nam xuất bản cùng ngày 06/11:

Mỹ, Trung đổi lãnh đạo và vai trò đầu tàu
Hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới sẽ có hai "dàn" lãnh đạo mới để ứng phó với nhiều nan đề cũ. Hoa Kỳ đã hiện đại hóa từ lâu và Trung Quốc đang cải cách/mở cửa để công nghiệp hoá....
 
Có thực chưa trao đủ quyền?
Đọc dự thảo luật, người ta cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó. Nói cách khác, Thủ đô liệu có "cất cánh" hay Thủ đô chỉ có ngần ấy vấn đề và cần giải quyết với vài chục điều luật đó chăng?
 
Cởi trói đã đủ chưa?
Dù vẫn còn một số ít ý kiến băn khoăn, song phần đông bà con nông dân, chủ trang trại và chính quyền nhiều địa phương đang rất phấn khởi, hồ hởi đón nhận ngày Thông tư 47 có hiệu lực...