Đoạn tuyệt với món nợ vàng, cơ cấu lại các nguồn cho vay là nguyên nhân chính khiến tổng tài sản của ACB giảm mạnh.
Bức tranh ACB dưới thời chủ tịch Trần Hùng Huy
Tiếp quản một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam vào thời điểm diễn ra hàng loạt cuộc khủng hoảng về uy tín cũng như nhân sự, chủ tịch trẻ tuổi Trần Hùng Huy chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng vào ngày 18/9/2012.
Khi đó, báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2012 của ACB cho thấy những con số giật mình: tổng tài sản giảm gần 40.000 tỷ đồng (từ 254.000 tỷ xuống còn 214.000 tỷ), lỗ từ kinh doanh vàng và ngoai hối trên 114.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này âm gần 660 tỷ đồng.
Sau một năm ông Huy chèo lái con thuyền ACB, ngân hàng này đã có lãi trở lại với tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 533 tỷ đồng.
Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy. |
Các chỉ tiêu kinh doanh khác cũng khá tốt dù thu nhập từ hoạt động lãi giảm sút đáng kể. Kinh doanh vàng và ngoại hối của ngân hàng này từ lỗ đã chuyển lãi, đạt trên 10 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư lãi lớn, đạt trên 184 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo trên, tổng tài sản của ACB đã giảm đi tới 50.000 tỷ đồng chỉ trong 1 năm.
Câu hỏi đặt ra là con số 50.000 tỷ đồng này đã đi đâu?
Từ sự kiện bầu Kiên
Xét lại quá trình lên nắm ghế lãnh đạo của ông Trần Hùng Huy nổi lên 3 vấn đề chính, đó là sự kiện bầu Kiên, chính sách chấm dứt cho vay và từng bước ngừng huy động vàng và việc siết cho vay lệch kỳ hạn. Trong đó, sự kiện bầu Kiên đã giáng một đòn mạnh vào ACB trong suốt quý IV/2013.
Trong đại hội cổ đông vào những ngày cuối năm 2012, chính Chủ tịch Huy đã thừa nhận, sự cố bầu Kiên khiến 28.000 tỷ đồng bị rút ra khỏi hệ thống của ACB.
Dù được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cùng hệ thống, phía ACB cũng đánh giá rằng sự cố này không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của ACB thì cũng phải thừa nhận rằng đến nay, âm hưởng của vụ án này vẫn đeo đẳng ACB cũng như chủ tịch Trần Hùng Huy.
Cụ thể, báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của ACB cho thấy, ACB vẫn tiếp tục mắc kẹt gần 719 tỷ đồng tiền gửi đã quá hạn liên ngân hàng với một ngân hàng khác chưa thể thu hồi. Ngoài ra, khoản vay nợ từ các công ty con liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên, cùng với khoản trả lãi định kỳ hao hụt và khả năng thu hồi không được báo trước cũng treo trên đầu ACB một khoản vốn lên tới hơn 7.000 tỷ đồng.
Đến sự vắng mặt của vốn vàng trong cơ cấu
Trong cuộc họp ĐHCĐ cuối năm 2012, chủ tịch ACB từng thừa nhận sự kiện bầu Kiên cùng cơn sóng từ nhiệm của hàng loạt thành viên trong ban lãnh đạo cũng như ban quản trị, tổng tài sản của ngân hàng này đã giảm 30% và lần đầu tiên kinh doanh vàng bị thua lỗ ở mức 1.700 tỷ đồng.
Ngay sau đó, với khuyến cáo tất toán trạng thái vàng từ Ngân hàng Nhà nước, ACB cũng là đơn bị đầu tiên tuyên bố đoạn tuyệt với món nợ vàng.
Theo thống kê, đến quý II/2013, toàn bộ lượng vàng được huy động trong dân của ACB đã tất toán xong. Thực tế, nếu như vào quý III/2012, ngân hàng này còn có 50.800 tỷ đồng nguồn vốn bằng vàng thì con số vào quý II/2013 còn lại không đáng kể, chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo nguyên tắc, giá trị vàng tất toán sẽ được loại khỏi bảng cân đối kế toán, và điều này lý giải vì sao tổng tài sản của ACB giảm mạnh qua từng quý trong suốt 1 năm vừa qua, cùng với khoản lợi nhuận từ vàng không còn. Báo cáo tài chính mới nhất của ACB cho biết, tài sản tiền mặt, vàng và đá quý tại ACB đã giảm từ 13.500 tỷ xuống còn 2.700 tỷ đồng.
Đến một cơ thể lành mạnh hơn
Một cựu lãnh đạo của ACB phân tích: "Nếu sụt giảm tổng tài sản mà tương ứng với giảm tiền gửi thì đây là mối lo lớn. Thế nhưng, bản chất của việc 'bốc hơi' 50.000 tỷ đồng là việc xử lý hậu quả về vàng thì bảng cân đối trở nên lành mạnh hơn trước".
Ông này chia sẻ, ACB trải qua sóng gió chủ yếu về vụ bầu Kiên chứ tình hình chung của nhà băng này không gặp vấn đề về hệ thống nên khi xử lý xong hậu quả về vàng, hiệu quả sẽ có cải thiện.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia phân tích, nhìn bên ngoài việc sụt giảm 50.000 tỷ đồng tổng tài sản thể hiện sự giật lùi của phát triển nhưng thực tế ở ACB lại có đặc điểm riêng. "Vàng là 'của nợ' và khi nó bị loại khỏi bảng cân đối, các cổ đông nên vui mừng vì bớt đi mối lo và nhờ đó hiệu quả kinh doanh sẽ tốt lên", ông này chia sẻ.
Vị lãnh đạo có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng phân tích thêm, sụt giảm 50.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của ACB có cải thiện chính là dấu hiệu tích cực. Bên cạnh đó, những hậu quả của vụ bầu Kiên đã bộc lộ hết nên tình hình chung sẽ có chiều hướng tốt lên.
Ông này bình luận: "Bản thân ACB trước đây không phải là một nhà băng có vấn đề về cho vay, ngoài việc cơ cấu cổ đông có liên quan đến bầu Kiên và những công ty con. Khi cổ đông lũng đoạn bị loại ra và các cổ đông khác, đặc biệt là khối ngoại có sự giám sát chặt hơn thì mọi việc cũng khác đi".
Một cựu lãnh đạo ngân hàng rất am hiểu về ACB chia sẻ, nói vụ "bốc hơi" 50.000 tỷ đồng của ngân hàng gắn với "cậu chủ tịch 35 tuổi" là không chính xác.
"Thực tế, ông Trần Mộng Hùng vẫn uy quyền ở đó kể cả khi không còn trong Hội đồng quản trị. Phòng riêng của ông Hùng vẫn ở ACB và nhân viên vào đó xin ý kiến thường xuyên. Giờ điểm khác là con trai ông Hùng có tiếng nói nhiều hơn chứ không phải là tiếng nói quyết định. Thêm vào đó, ông Hùng giờ đây không phải cạnh tranh quyền lực với bầu Kiên nữa".
(Theo Tri thức)