Theo thông lệ, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, phố ông đồ và Hội chữ Xuân sẽ được tổ chức ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hoạt động này thường được kéo dài đến rằm tháng Giêng hoặc lâu hơn.

Tuy nhiên, năm nay, do dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên Hội chữ Xuân sẽ được tổ chức online để đáp ứng nhu cầu du xuân xin chữ đầu năm của người dân. Điểm nổi bật nhất của việc xin chữ là các ông đồ sẽ tương tác với người nhận chữ trên nền tảng zoom. Theo đó, sự tương tác và ước nguyện nhận chữ của người dân vẫn được thực hiện tốt và chạm tới cảm xúc người cho và nhận chữ qua từng nét bút mực tàu, giấy đỏ.

{keywords}
 

Thời gian bắt đầu triển khai từ 26/01/2022 đến 06/02/2022 (tức 24/12/2021 đến 06/01/2022 âm lịch) trên các nền tảng website, fanpage và zoom mở đón du khách xin chữ đầu xuân online từ 9h00 sáng mùng 01 âm lịch tức ngày 1/2/2022 dương lịch.

Việc thực hiện chương trình Du xuân online là sự tiếp nối và thích ứng nếp sống "bình thường mới" đảm bảo yêu cầu phòng dịch Covid-19 của Ban tổ chức với thông điệp "Truyền thống và Đổi mới".

Bà Tăng Thị Thu Hà - Đại diện Ban tổ chức Hội chữ xuân 2022 chia sẻ: "Ông đồ vẫn áo the khăn xếp nhưng đã "hội nhập" trong xu thế mới của công cuộc chuyển đổi số 4.0, phát triển và bảo tồn nét đẹp văn hóa Việt Nam. Hơn thế nữa, sự kiện được tổ chức bởi các thành viên của tổ chức kết nối thương mại toàn cầu để ông đồ không chỉ cho chữ du khách 63 tỉnh thành mà còn cả ở 79 quốc gia trên thế giới có thành viên BNI là những điểm đặc sắc của chương trình năm nay".

Theo bà Hà, ông đồ sẽ cho chữ online nhưng không làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc cho chữ - xin chữ. Các ông đồ vẫn bảo lưu và truyền bá những giá trị truyền thống nhưng trên không gian mạng. Đây là trải nghiệm mới mẻ của các ông đồ nhưng BTC cũng phải thích ứng với trạng thái bình thường mới vào thời điểm dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

{keywords}
 

Nhà thư pháp Cung Khắc Lược chia sẻ: "Tục xin chữ đầu năm chính là mong muốn của người xin chữ cho cả một năm mới mang đến những điều may mắn, bình an và phúc thọ tràn đầy. Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ.

Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong những nét mực uyển chuyển. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ và lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam. Cho dù được tổ chức dưới hình thức nào thì ý nghĩa về sự xin - cho này vẫn còn nguyên vẹn".

Theo BTC, xen kẽ trong các không gian cho chữ, vui chơi, trải nghiệm... là rất nhiều không gian phố xưa, nhà cũ; những không gian gợi nhớ khung cảnh nông thôn Bắc Bộ từ chợ quê, ngày mùa... đến niềm vui náo nức ngày xuân nhằm phục vụ nhu cầu chụp bộ ảnh xuân của du khách yêu văn hóa Việt. 

Tình Lê

Rộn ràng xin chữ đầu năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Rộn ràng xin chữ đầu năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Xin chữ đầu năm là cách mà cha ông ta lưu lại truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài....