Ngày làm việc của ông chủ Đại Nam, người được cho là tỷ phú USD "ngầm" của Việt Nam, bắt đầu bằng tô hủ tiếu, ly cà phê và điếu thuốc như bao người.

Ông chăm chú theo dõi quá trình vận hành của các nhà máy xử lý nước thải qua màn hình lớn, vây quanh là những mẫu nước thải công nghiệp xanh đỏ còn lắng cặn rỉ kim loại.

Không nghĩ nhiều đến tiền, lợi nhuận

- Được biết ông đang muốn dành 10.000 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải, kế hoạch này dự kiến triển khai ra sao?

- Đúng vậy, 10.000 tỷ đồng này sẽ được dành để xây dựng 100 nhà máy xử lý nước thải trên khắp Việt Nam. Có cái nhỏ 3.000 khối, 10.000 khối rồi 20.000 khối, tuy nhiên tôi tính trung bình sẽ là 100 tỷ đồng cho một nhà máy, tổng cỡ 10.000 tỷ đồng cho 100 nhà máy.

Tôi sẽ tập trung vào xử lý nước thải công nghiệp vì đây là loại nước thải gây hại tới môi trường và con người. Còn nước thải dân sinh thì mình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để giúp người dân chứ loại này không nhức nhối như nước thải công nghiệp.

{keywords}
Ông Huỳnh Uy Dũng, ông chủ của Đại Nam, chia sẻ về dự định đầu tư 10.000 tỷ đồng trong lĩnh vực xử lý nước thải. Ảnh: Ngô Minh.

Hiện các khu công nghiệp ở Việt Nam đang xử lý nước thải theo mô hình nhà máy tự xử lý đến cấp B rồi khu công nghiệp sẽ xử lý chung về cấp A, tuy nhiên thực tế đang không được như vậy, nhiều nhà máy, khu công nghiệp đang xả nước thải chưa đạt chuẩn, thậm chí là xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, đây là vấn đề rất nhức nhối.

Mô hình xử lý nước thải bằng vi sinh của tôi cho phép tiếp nhận gần như không giới hạn lưu lượng nước thải từ các nhà máy. Nước ở đầu ra đạt hơn cấp A, có thể sử dụng để quay vòng sản xuất hoặc thêm bước lọc RO để trở thành nước có thể uống trực tiếp.

- 10.000 tỷ đồng là số tiền lớn, vậy tại sao ông lại muốn đầu tư vào một lĩnh vực như xử lý nước thải thay vì những lĩnh vực đang sinh lời tốt hơn?

- Tôi luôn nghĩ xử lý nước thải là mình đang cứu người. Xây nhà máy nước thải có khi còn tốt hơn xây chùa hay xây bệnh viện, vì bệnh viện chỉ là nơi chữa bệnh, còn lọc nước thải là mình đang phòng bệnh.

Khi kinh doanh, tôi đã không nghĩ nhiều đến tiền hay lợi nhuận. Tiền chỉ là phương tiện, nó như khẩu súng vậy. Súng có thể dùng để bảo vệ xóm làng, nhưng cũng có thể dùng để phá làng phá xóm. Quan trọng là mình sử dụng phương tiện như thế nào.

Giờ không làm cũng đủ sống tới hết đời, nhưng làm việc, tìm tòi trong lĩnh vực mới giúp mình minh mẫn hơn, khoẻ mạnh hơn.

Tôi luôn mong muốn môi trường Việt Nam trở về như thời kỳ trước khi công nghiệp bùng nổ. Tuy nhiên mình không thể ngăn cấm công nghiệp phát triển vì như thế kinh tế không thể phát triển, do đó tôi lựa chọn làm xử lý nước thải.

Nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam muốn gia tăng giá trị sản phẩm thì phải phát sinh nước thải công nghiệp. Tôi muốn làm về xử lý nước thải để cởi nút thắt này cũng như giúp cho công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

- Làm kinh tế mà ông nói không đặt nặng vấn đề sinh lời sao? Nội bộ Đại Nam liệu có đồng thuận?

- Công ty do một tay tôi gây dựng, tôi không hùn vốn với ai cả nên đây cũng là vấn đề dễ giải quyết. Toàn bộ doanh thu của Đại Nam và các doanh nghiệp liên quan giờ đều được đưa về quỹ thiện nguyện Hằng Hữu. Ngoài doanh thu của Đại Nam, quỹ không kêu gọi thêm tài trợ từ bất kỳ nguồn nào.

Đây là quỹ thiện nguyện của gia đình tôi, chủ yếu để cấp kinh phí cho các cháu mổ tim bẩm sinh. Hiện quỹ đang làm việc với 3 bệnh viện lớn là bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhi đồng I Trung ương TP.HCM và bệnh viện Đà Nẵng để thực hiện mổ tim bẩm sinh miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Tôi làm cho xã hội, cho mấy cháu nhỏ chứ làm cho bản thân tôi làm gì cho mệt. Giờ không làm cũng đủ sống tới hết đời, nhưng làm việc, tìm tòi trong lĩnh vực mới giúp mình minh mẫn hơn, khoẻ mạnh hơn.

Tiền bạc, mỗi người có cách sử dụng khác nhau. Như tôi thì thấy các cháu bệnh tim bẩm sinh, các cháu úng não khoẻ mạnh trở lại là tôi hạnh phúc. Đó cũng là một cách hưởng thụ tiền bạc.

Làm tâm linh không thể buôn thần bán thánh

- Nhìn các ngành nghề kinh doanh của ông, tôi không thấy chúng liên quan gì tới nhau. Ông kinh doanh khu công nghiệp, khu du lịch tâm linh, trường đua rồi gần nhất là xử lý nước thải. Ông nghĩ sao?

- Tôi kinh doanh không theo lý thuyết, trường phái nào. Việc nào chưa ai làm thì mình làm, cái gì khó mà người khác không làm thì tôi lại càng thích. Từ xưa đến giờ rồi, cực lắm.

Khu du lịch tâm linh, tôi làm để hoàn thành tâm nguyện để lại cho đời một công trình tâm linh thuần tuý, không liên quan đến chuyện tiền bạc.

Tâm linh không thể đem ra mua bán được, không thể có tính mua thần bán thánh trong đó.

{keywords}
Ông Dũng giám sát các nhà máy xử lý nước thải từ trụ sở công ty tại TP.HCM. Ảnh: Ngô Minh.

Rất hiếm nơi ở Việt Nam không có hòm công đức, xe đi lại miễn phí, nước uống miễn phí như ở chỗ chúng tôi. Tất cả đều là sự sắp xếp của tạo hoá rồi, mình có phương tiện thì mình dựng nên thôi. Người dân hướng thiện, thắp nén hương lên trời Phật tổ tiên là mình cảm thấy hạnh phúc rồi.

Tiền chỉ là phương tiện, nó như khẩu súng vậy. Súng có thể dùng để bảo vệ xóm làng, nhưng cũng có thể dùng để phá làng phá xóm.

Trong cuộc đời một con người, hạnh phúc là thứ mình tìm kiếm, còn tài sản, tiền bạc chỉ là phương tiện. Con người có khi có được nhiều phương tiện lại là hoạ, cũng có người lại mang phương tiện đi giúp đời.

Tôi thích làm những cái để lại cho đời vì đời người ngắn ngủi lắm. Giờ tôi 60 tuổi rồi, gom góp được ngày nào hay ngày ấy (cười), đến ngày ra đi cũng không mang theo được gì, có chăng chỉ mang được hai thứ theo là phúc đức và tội lỗi.

Do đó tôi nghĩ rằng nên để lại cho đời, đừng để lại cho con mình vì nếu không có phúc đức, tài sản bằng núi nó phá ba ngày cũng hết.

- Ông có lo khi con út đứng lên tiếp quản Đại Nam năm 18 tuổi sẽ bị ngợp không?

- Mình phải dạy nó lao động ngay từ nhỏ. Như ông Bill Gates cho con có vài triệu USD, tự bản thân con phải nỗ lực. Không làm việc thì bộ não mình bị thui chột ngay.

Đừng nghĩ mình đem tiền nhiều cho con là mình giết nó đó, mình đang làm thui chột hết những động lực của bản thân nó.

Nếu 18 tuổi nó ngợp thì tôi và vợ cùng hội đồng giám sát quỹ vẫn luôn ở bên giúp đỡ nó. Quỹ này sẽ giống như quỹ giải Nobel vậy, sẽ tồn tại lâu dài và có quy chế giám sát rõ ràng.

Mình phải rạch ròi cái nào riêng, cái nào chung chứ không phải cho con hết để nó mua nhà lầu xe hơi. Tôi tin rằng từ bé nếu được giáo dục về sứ mệnh của mình, làm việc thiện từ bé thì không có lý do gì lớn lên nó lại không tiếp tục.

- Nhiều người cho rằng tài sản của ông hoàn toàn đủ để lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes, ông có bao giờ nghĩ tới chuyện này?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện tôi giàu hay tôi nghèo cũng như chuyện tôi phải làm thế nào để giàu thứ nhất, thứ nhì hay phải ganh đua thứ hạng. Tôi luôn tâm niệm tiền chỉ là thứ phương tiện. Mình lao động, tích luỹ được phương tiện thì đứng ra làm nhiều việc giúp đời.

Tôi cũng không giống những doanh nhân khác, đặt mục tiêu năm này phải làm ra nhiều hơn năm trước. Mình cứ làm thôi, hành sự tại nhân thành sự tại thiên mà.

Như ông Bill Gates giàu có như vậy nhưng vẫn lập quỹ thiện nguyện, rồi tự nghiên cứu làm bồn cầu không cần nước giúp ích cho nhân loại. Đấy là hình ảnh rất đáng học hỏi, quý trọng.

(Theo Zing)