Trong bài viết "Bạo hành trẻ em, S.Freud nghĩ gì?", do nhiều người chưa biết S.Freud là ai (có bình luận "S.Freud là ai, thuộc tổ chức nào, đã làm được gì cho đất nước) nên chưa tin vào sự thật lâu nay bị giấu kín trong con người.

Ở bài viết này, tôi tạm diễn nôm ngắn một khía cạnh đơn giản nhất (tất nhiên sẽ không hoàn toàn chuẩn) tinh thần của "Phân tâm học" để phổ cập cái học thuyết phức tạp nhất trong các học thuyết về nhân học.

{keywords}

S.Freud (1856-1939)

Sự tệ hại của các triết gia là tạo ra các học thuyết bất khả đại chúng, nên hoặc bị xuyên tạc để lợi dụng hoặc khó đi vào đời sống đúng nghĩa của nó.

Libido (năng lượng tính dục) là có thật trong mỗi con người, nó đòi hỏi giải phóng dưới nhiều hình thức, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp theo nguyên lí dịch chuyển, hoặc chính đáng hoặc lệch lạc.

Một là, nó trực tiếp thực hiện các hoạt động tình dục thông qua giao phối, khác giới hoặc đồng giới, kể cả thủ dâm.

Hai là, trong trạng thái ức chế, kìm nén, nó dịch chuyển sang 2 hướng: hoặc bạo hành hoặc sáng tạo. Phương diện thứ hai này thông qua chiếc giá đỡ là quyền lực, trong nghĩa rộng, theo M.Foucault, bao gồm quyền áp bức lẫn quyền phản kháng.

Nói nhịu, văng tục cũng là một phương thức trút xả kìm nén, ức chế trong một trạng thái áp bức nào đó để phục sinh quyền lực nguyên thủy (primary power).

{keywords}

Oedip giết cha lấy mẹ, Gallery tranh Phục Hưng

Từ S.Freud đến C.Jung, E.Fromm,… J.Lacan rồi M.Foucault (tên các nhà tâm lý học có liên quan tới trường phái phân tâm học) với nhiều cách giải thích khác nhau, cực đoan hay không cực đoan, đều khẳng định, vô thức đã điều khiển hành động và ngôn ngữ của chúng ta hơn là ý thức.

J.Lacan gọi bằng một từ rất hay là sự trượt (tiếng Pháp: glissement) trên cái moment quán tính của nó.

Sâu xa bắt đầu từ tình dục. Khởi điểm là tính ái kỉ nguyên thủy (primary narcissism), đứa bé yêu mẹ như yêu chính xác thịt của mình.

Đối thủ tranh chấp của nó lúc này chính là người cha. Chính quyền áp bức của người cha đã đẩy năng lượng tình dục ở đứa bé dịch chuyển sang thỏa mãn với các đồ chơi (chẳng hạn như mút tay, mân mê các đồ chơi giống bầu vú mẹ), sau này là các luật lệ cấm đoán hoặc điều chỉnh của xã hội văn minh, tự nó dịch chuyển sang thỏa mãn với chính mình (thủ dâm) hoặc với người khác (người tình).

Muốn hay không, ngay từ đầu, sự áp bức của người cha, và sau này, các luật lệ cấm đoán của xã hội đã lần lượt gây chấn thương tinh thần đứa bé và sinh ra mặc cảm Oedipe, bao gồm cả sự luyến ái với người mẹ và sự căm thù người cha.

{keywords}

Con muốn giết ông ta! – Gallery tranh hiện đại


Tôi không tin, như các giáo trình tâm lí học đã tin, rằng đứa bé khao khát lớn lên bởi sự ham hiểu biết để trưởng thành, trong khi thực chất là, một cách vô thức, nó ham muốn có sức mạnh để sở hữu quyền lực như một cách tốt nhất thoát khỏi áp bức và được áp bức kẻ khác.

Không phải từ nhỏ, mỗi khi ta bị người lớn đánh đòn, ta đã ao ước lớn nhanh để thoát khỏi sự đánh đòn, và quan trọng hơn, được đánh đòn lại kẻ yếu hơn mình.

Sự cưỡng chế của quyền lực áp bức đến một mức nào đó làm nảy sinh ra một thứ quyền lực khác: quyền lực của sự phản kháng. Bạo lực do đó tự nó sinh ra bạo lực như một tất yếu. Những sự chống trả, trong gia đình lẫn công sở, trong nhà trường lẫn ngoài xã hội gần đây xuất hiện tràn lan đều xuất phát từ một gốc.

Những kẻ không dám hoặc không đủ sức phản kháng sẽ nuôi căn bệnh tự kỉ mà trút năng lượng sang hứng thú khám phá, sáng tạo với những hình thức như kí hiệu, biểu tượng mà các thiên tài khoa học, các nhà văn, nhà thơ là những điển hình.

Nhưng phổ biến hơn, trong điều kiện một cá thể không thể phản kháng lại quyền lực cao hơn mình, đặc biệt không có một cơ chế kiểm soát hữu hiệu, nó sẽ trút xả một cách hứng thú vào kẻ yếu hơn, và đó là nguyên nhân sinh ra bạo hành đối với người già, phụ nữ, trẻ em, kể cả động vật.

Áp lực khắt khe của cuộc sống: bề trên áp bức kẻ dưới, đồng lương thấp, công việc nặng nề, chạy theo thành tích,… cộng với một môi trường khiếm khuyết, môi trường đồng giới chẳng hạn (nhà trẻ là một điển hình, vì ở đó chỉ có phụ nữ và trẻ em) làm cho con người ngày một hung hăng hơn, thú tính hơn vì những lệch lạc sau chấn thương.

Vì thế, pháp luật của một thể chế văn minh không phải bảo vệ cho kẻ mạnh mà ngăn chặn kẻ mạnh để bảo vệ kẻ yếu.

Cụ thể, nó sẽ quan tâm nhiều nhất đến việc bảo vệ người già, trẻ em, phụ nữ, và các loài động vật, bởi vì các đối tượng này không có khả năng tự vệ.

Chúng ta đã có những chế tài xử phạt về bạo hành gia đình, xã hội, nhưng sự ưu tiên bảo vệ các đối tượng này chưa được đặt ra thỏa đáng.

Đặc biệt là các biện pháp phòng xa theo hướng giải quyền lực như chống độc tài, bạo quyền, cải thiện môi trường làm việc, tổ chức đối thoại cởi mở, bình đẳng tạo ra một cộng đồng chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm, nhưng chừng như tất cả những điều đó cho đến nay vẫn còn đang nằm ngoài các hoạt động dân sự.

  • Chu Mộng Long

Sigmund Freud (tên đầy đủ là Sigmund Schlomo Freud; 6 tháng 5, 1856 – 23 tháng 9, 1939) nguyên là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo.

Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học.

Cho đến ngày nay mặc dù lý thuyết về phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi và người ta còn đang so sánh hiệu quả của các phương pháp phân tâm học của ông với các phương pháp điều trị khác, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20.

 (Theo Wikipedia tiếng Việt)

 

Phân tâm học (viết tắt của Phân tích tâm lý học, tiếng Anh: Psychoanalysis) là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng. Nó được khởi thảo bởi Sigmund Freud, một bác sĩ người Áo.

Phân tâm học chia bản năng con người ra làm ba phần: cái ấy (E: id;F:Le Ca; G:das Es), cái tôi (E: Ego;F:Le Moi; G:das Ich) và cái siêu tôi (E:Super ego;F: Le Surmoi; G:das Über-Ich).

Trong đó nói rõ con nguời luôn bị chi phối bởi bản năng tính dục và mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn hoặc ức chế nhu cầu đó. Lí thuyết phân tâm đã được nhiều người nghiên cứu tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự được nhận thức đầy đủ. Cùng với nhiều công trình nghiên cứa về con người như thuyết tiến hóa và khoa học về nhận thức, đã đóng góp vào việc tìm hiểu sau hơn về nhận thức về văn hóa và văn minh nhân loại.

 (Theo Wikipedia tiếng Việt)