Câu chuyện ông già Nhật Bản Tango Hirosuke tranh đấu cho sự minh bạch trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang làm dư luận dậy sóng mấy ngày qua. Nguyên tắc minh bạch được áp dụng triệt để đến mức ông Hirosuke sẵn sàng chịu thiệt hại gần 2 tỷ đồng chỉ vì muốn “minh bạch 15 triệu đồng”.
Phóng viên đã có buổi trò chuyện cùng ông Tango Hirosuke về nguyên tắc bất biến của người Nhật, về cuộc sống đời thường và triết lý kinh doanh của ông.
Ông Tango Hirosuke trao đổi với PV |
Ông Tango kể: "Tôi sinh năm 1939, ở thành phố Kobe - một trong những cảng biển chính của Nhật Bản. Sinh ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ký ức tuổi thơ tôi có những trận bom.
Năm 1945, khi tôi 6 tuổi, một trận bom đã giết chết hơn cả 100.000 người dân và đốt cháy cả thành phố Nagasaki và Hiroshima. Vụ đánh bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh cũng là một ám ảnh khủng khiếp. Tôi sống trong cảnh hoang tàn đổ nát suốt tuổi thiếu niên.
Cuộc sống đói khổ nhưng người Nhật luôn sống nguyên tắc, luôn công bằng. Đến 15 tuổi thì tôi phải lập nghiệp để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Chưa trưởng thành, nhưng như nhiều thiếu niên khác, tôi được vào làm cho Tập đoàn Kotobuki, là nhân viên làm bánh".
Cơ duyên nào đưa ông đến Việt Nam?
- Năm 1991, theo chiến lược kinh doanh và mở rộng thị trường qua Việt Nam, Tổng giám đốc Kotobuki đã điều tôi về Việt Nam để nghiên cứu thị trường, và một số dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã được Kotobuki đưa vào Việt Nam. Những sản phẩm như bim bim (bánh Snack), bánh Cookies, kẹo cứng nhân hoa quả, socolate và đặc biệt là bánh ngọt, bánh gato danh tiếng đã được Kotobuki và các đối tác đưa ra thị trường.
Khi vừa qua Việt Nam, cảm nhận của tôi là con người Việt Nam rất thân thiện, hay cười, cởi mở. Khung cảnh Việt Nam thì rất đẹp...
Và ông mở công ty khi nào? Ở Việt Nam, có đến 2 công ty bánh kẹo có tên Tango?
- Năm 1993, Kotobuki liên doanh với Vinabico - công ty sản xuất bánh kẹo quy mô hàng đầu miền Nam. Tôi làm chuyên gia đến năm 1998 thì được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Công ty Vinabico - Kotobuki.
Người Nhật khi đã phục vụ lý tưởng thì không bao giờ ngừng giữa chừng. Như nhiều đồng nghiệp của tôi và tôi, đã phục vụ Kotobuki thì là trọn đời. Năm 2000, sau 45 năm phục vụ duy nhất một công ty, tôi 60 tuổi và nghỉ hưu nên chuyển qua lập nghiệp cho riêng mình.
Tôi cùng một người bạn Đài Loan lập Công ty bánh kẹo Art Tango - lấy tên tôi, nằm trong KCN Vĩnh Lộc, TP.HCM. Tuy nhiên, do bất đồng về quan điểm kinh doanh, chỉ hơn 6 tháng sau tôi ra đi và lập một công ty hoàn toàn mới, vẫn lấy tên tôi nhưng là Tango Candy, nhà xưởng tại KCN Tân Bình, TP.HCM. Lúc này, một số nhân viên cũ của tôi thời còn ở Vinabico cũng theo về trợ giúp.
Đến năm 2007, khi tôi về Long An đầu tư với quy mô lớn hơn, những người công nhân của tôi không bỏ rơi tôi. Họ quyết tâm theo nhà xưởng về Long An, tôi phải mua 2 chiếc xe ca để phục vụ những người không chịu rời xa mình. Về Long An, tôi có thêm những cộng sự mới, là những người dân ở Đức Hòa, là những người dân ly hương từ nơi khác, như một mái ấm gia đình...
Những ngày bị bịt cổng thực sự khó khăn, nhưng công nhân của tôi không ai muốn bỏ việc. Họ cũng muốn minh bạch. Đó là động lực để tôi chiến đấu vì công nhân của mình.
Hình ảnh ông Tango Hirosuke cùng các công nhân trong công ty gây bão dư luận mấy ngày qua. |
Qua những gì đã xảy ra, ông có chán nản, muốn buông bỏ hay không?
- Các bạn hẳn cũng rõ, người Nhật đang đầu tư ở Việt Nam rất nhiều. Hiện tôi là Hội trưởng Hội đồng hương tỉnh Hyogo Kobe. Chỉ riêng thành phố nhỏ của chúng tôi có khoảng 150 người đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Hồi mới sang Việt Nam, không rành đường xá, không hiểu tiếng nói, lại rất ít đồng hương, tôi đã mời nhiều người bạn Nhật sang chơi và góp phần kêu gọi đầu tư ở Việt Nam. Bản thân tôi không chỉ có trách nhiệm với mình, mà còn có trách nhiệm với những người bạn mà mình mời sang. Môi trường đầu tư nếu chưa minh bạch thì chúng ta sẽ cùng đấu tranh cho sự minh bạch, không thể vì một chút khó khăn mà tặc lưỡi cho qua nguyên tắc sống cơ bản này.
Năm 1993, một số đài truyền hình Nhật Bản và Việt Nam phỏng vấn tôi với tư cách là một chuyên gia Nhật Bản sang làm việc tại Việt Nam. Chưa rành tiếng Việt, tôi cố học thuộc lòng và nói rất to trên truyền hình: “Mời các bạn đến Việt Nam đầu tư, chắc chắn sẽ không hối hận vì con người Việt Nam rất dễ thương và cởi mở”.
Năm 1994, tôi quyết định kết hôn với người vợ Việt Nam và có 2 người con gái, mang 2 quốc tịch Việt Nam - Nhật Bản. Tôi là con rể Việt Nam và tự xem mình là người Việt Nam. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh vì môi trường kinh doanh minh bạch, không bao giờ buông bỏ. Các bạn hỏi, thì tôi vẫn trả lời bằng câu nói của 23 năm về trước: “Mời các bạn đến Việt Nam đầu tư, chắc chắn sẽ không hối hận vì con người Việt Nam rất dễ thương và cởi mở”.
Tỉnh Long An bó tay? Liên tục trong 4 ngày, công an đã mời làm việc đối với Tổng Giám đốc Công ty Tân Đức cũng như nhiều nhân viên thuộc cấp. Đến ngày thứ 3, Tân Đức tháo dỡ rào chắn, đồng thời cho rằng mình bị “khủng bố”. Ngày 28/3, đại tá Phạm Hữu Châu - Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An cho biết, công an đã mời làm việc nhiều người ở Công ty Tân Đức và khẳng định mới chỉ lấy thông tin bước đầu và sẽ tiếp tục thực hiện các bước xử lý tiếp theo. “Không có chuyện công an khủng bố tinh thần Công ty Tân Đức. Chúng tôi làm việc đúng quy định pháp luật. Ông Trần Dương, giám đốc truyền thông của Tân Đức nói gì là việc của ông. Còn chúng tôi giải quyết theo pháp luật”, ông Châu nói. Theo thông cáo báo chí của Công ty Tân Đức, doanh nghiệp này phải chặn barie trước cổng Công ty Tango từ ngày 17/3 để tạo áp lực cho Công ty Tango thực hiện nghĩa vụ và cam kết của mình, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Công ty Tân Đức, cũng như lợi ích của hàng chục ngàn cổ đông đã tin tưởng đầu tư vào Công ty Tân Đức và các doanh nghiệp đang đầu tư trong KCN Tân Đức. “Ngày 22/3, Đồn Công an KCN Tân Đức đã mời từng bộ phận an ninh, lái xe, nhân viên… của Công ty Tân Đức đến “làm việc”. Ngày 23.3 Đồn Công an Tân Đức tiếp tục mời Tổng giám đốc Công ty Tân Đức lên làm việc. Tổng giám đốc Công ty Tân Đức đến nơi thì “được làm việc” với ông Tụ - Trưởng Đồn Công an Tân Đức, ông Trung - Trưởng đội hình sự Công an huyện Đức Hòa, ông Liêm - cán bộ Đồn công an Tân Đức. Buổi “mời làm việc” của Đồn công an Tân Đức với Tổng Giám đốc Công ty Tân Đức kéo dài từ 15 giờ 00 đến 21g15, suốt hơn 6 tiếng đồng hồ với các câu hỏi lặp đi lặp lại như để khủng bố tinh thần Tổng Giám đốc Công ty Tân Đức. Tiếp theo, ngày 24, 25/3 Đồn công an KCN Tân Đức tiếp tục gửi giấy mời các cán bộ, nhân viên Công ty Tân Đức đến làm việc”, thông cáo có đoạn nêu. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiều - Trưởng Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, KCN Tân Đức nằm ở huyện Đức Hòa, là huyện có điều kiện hạ tầng còn nhiều hạn chế nên đây là khu vực được ưu đãi đầu tư. “Theo đó, phí duy tu cơ sở hạ tầng ở vùng này cũng phải thấp hơn nơi khác. Lẽ ra, các doanh nghiệp phải được hưởng mức phí thấp thì phí hạ tầng mà Tân Đức đưa ra là cao nhất tỉnh. Liên quan đến mức phí này, tỉnh đã trực tiếp làm việc với Tân Đức nhiều lần, hơn 10 lần, nhưng không có kết quả”, ông Tiều nói. Như đã thông tin, Công ty Tân Đức áp đặt mức phí duy tu cơ sở hạ tầng là 10.018 đồng/m2. Khi các doanh nghiệp thứ cấp không đồng ý, Tân Đức dọa cắt điện, sau đó triệt nguồn nước rồi phong tỏa cổng các công ty “chống đối”. Riêng Công ty Tango Candy, vốn 100% Nhật Bản, ngoài bị cắt nước, Tân Đức còn dùng hàng chục tấn đất sét bịt luôn cổng chính lẫn cổng thoát hiểm để “đòi tiền”. |
Theo Dân Việt