"Vừa rồi báo chí có nhiều ý kiến đưa ra là Nhật Cường cung cấp nhiều dịch vụ công cho Hà Nội có ảnh hưởng không. Việc này Thành ủy Hà Nội đã giao cho UBND TP cùng các sở rà soát lại, trước hết phải đảm bảo các dịch vụ hoạt động bình thường như thi cử, sổ liên lạc điện tử, dịch vụ công cấp độ 3, 4…", ông Hoàng Trung Hải cho hay.

Các dịch vụ không ảnh hưởng gì

Vậy liệu các hệ thống dịch vụ do Nhật Cường cung cấp có bị ảnh hưởng gì không, thưa ông?

Cho đến nay tôi được báo cáo là các hoạt động này không ảnh hưởng gì. Đồng chí Chủ tịch và Giám đốc sở bảo đảm điều này.

Ông Hoàng Trung Hải nói về việc Nhật Cường cung cấp dịch vụ công cho HN
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải


Thứ 2 là rà soát lại những thông tin báo chí nêu như quy trình thủ tục pháp lý, chỉ định thầu có đúng không. Thực tế có nhiều đơn vị cung cấp các dịch vụ cho TP chứ không chỉ Nhật Cường.

Đây là việc UBND TP phải rà soát và báo cáo Thành ủy. Việc này cũng như quy trình thông thường, các vấn đề báo chí nêu thì TP đều có rà soát xử lý, việc nào không đúng thì xử lý xem trách nhiệm của ai, TP hay quận, sở ngành.

TP phải phối hợp với công an để xử lý.

Các hoạt động tiếp theo sẽ như thế nào khi ông chủ Nhật Cường đã bỏ trốn?

TP phải đảm bảo các dịch vụ này hoạt động bình thường, sau đó kiểm soát để có giải pháp làm sao cho nó không bị ảnh hưởng.

Chuyện thuê dịch vụ cũng là hoạt động thông thường của chính quyền, khi có rủi ro phải có giải pháp dự phòng. Nếu chưa có thì phải hình thành dự phòng. Các hệ thống điện tử đều có hệ thống dự phòng như thế.

Nhiều DN khác cung cấp dịch vụ công cho Hà Nội

Có dư luận Hà Nội nhiều lần đề nghị Nhật Cường chuyển giao hệ thống cho mình nhưng họ luôn có lý do để không chuyển giao?

Cái đấy tôi không có thông tin, khi rà soát thì phải báo cáo cho Thành ủy, cung cấp dịch vụ phải có hợp đồng.

Có lý do gì thì 2 bên ngồi lại rà soát. Có mấy nội dung là việc anh cung cấp tôi trả tiền, tôi bảo hành, bảo mật. Vừa rồi báo chí có nói về bảo mật thì ta phải lưu ý. Đó là nguyên tắc số 1.

Khi nào thì Hà Nội làm việc với Nhật Cường?

Cho đến giờ là chưa.

Được biết chính sách dịch vụ công Hà Nội chưa hoàn thiện, vì sao Nhật Cường lại tham gia được?

Đấy cũng là cái cần rà soát xem các quy định có chưa. Thực tế thuê các dịch vụ ở ngoài cũng như đi mua. Mua dịch vụ cung cấp về y tế thì đấy cũng là thuê. Khi chưa có quy định thì cũng có thể thực hiện như thế.

Mọi phần mềm của Hà Nội đều do Nhật Cường làm, thưa ông?

Cái đấy chưa chắc đâu, phải rà soát lại xem tỉ lệ bao nhiêu. Theo báo cáo có nhiều DN khác cùng tham gia.

Chính quyền điện tử là chủ trương lớn của TP, vậy khi thực hiện UBND TP có xin ý kiến Thành ủy về các DN tham gia cung cấp dịch vụ công cho TP như Nhật Cường?

Chủ trương xây dựng chính quyền điện tử từ Chính phủ, thực hiện trong nhiều năm, không phải mới.

Thành ủy cũng có chủ trương phải triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm tiêu cực nhũng nhiễu. Cụ thể chi tiết thế nào thì Thành ủy không quyết định mà có quy chế hoạt động của Thành ủy, những dự án cỡ nào thì trình Thành ủy chứ không phải tất cả dự án phải báo cáo.

Có khi nào TP báo cáo Thành ủy về việc Nhật Cường cung cấp các dịch vụ này không?

Mình biết có dịch vụ Nhật Cường, còn báo cáo xin chủ trương thì đây là việc nhỏ, quy mô dự án không đến mức phải trình Thành ủy.

Nhật Cường tiền thân chuyên bán điện thoại nhưng năm 2016 cung cấp dịch vụ công cho Hà Nội?

Đây chính là việc TP phải rà soát, đánh giá khi chọn họ xem họ có năng lực không, kể cả đấu thầu hay chỉ định thầu đều có bước đánh giá năng lực.

Lo lắng của người dân là rất đúng vì số lượng học sinh TP rất lớn, mỗi lần thi cử là rất đáng lo. Nhưng cho đến hôm nay khi có sự việc xảy ra, anh em đã tập trung rà soát mảng về dịch vụ công và mảng thi cử, tôi được báo cáo là vẫn hoạt động bình thường.