- Kính thưa: Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ,

- Kính thưa: Đồng chí Lê Thành Long, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

- Thưa toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị tại các điểm cầu,

Hôm nay, tham dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng, tôi xin gởi đến đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tư pháp, cùng các đồng chí tham dự Hội nghị tại các điểm cầu lời chào và lời chúc tốt đẹp nhất!

Thưa các đồng chí,

Qua nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực về công tác tư pháp năm 2021; phương hướng nhiệm  vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện công tác năm 2022, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng, tôi hoàn toàn thống nhất và đánh giá rất cao kết quả mà Ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2021, cũng như các nhiệm vụ trọng tâm mà Ngành đề ra trong năm 2022.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2021 do tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động trên các lĩnh vực; trong đó, có kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ngành Tư pháp, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư pháp, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, Ngành Tư pháp tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng của Chương trình công tác năm 2021 đề ra, có thể đánh giá một số kết quả nổi bật sau:

- Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế theo tinh thần Kết luận số 83, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Ngay từ đầu năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05, ngày 08/02/2021 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; đồng thời, ban hành Kế hoạch số 71, ngày 24/5/2021 về rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Kế hoạch số 57, ngày 20/4/2021 về triển khai nhiệm vụ cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật - Chỉ số B1 trên địa bàn tỉnh năm 2021,...

Qua đó, khuôn khổ pháp lý trên địa bàn tỉnh ngày càng minh bạch, đồng bộ, có tính khả thi cao, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Nhằm thích ứng trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp nghiên cứu, đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thích ứng “trong tình hình mới”; trong đó, ưu tiên áp dụng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật gián tiếp như: Thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, in và cấp phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook,... Qua đó, đã đem lại nhiều kết quả tích cực, nổi bật là Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2021”, đã thu hút trên 35.000 thí sinh tham gia dự thi với hơn 61.000 lượt thi.

- Về công tác hòa giải ở cơ sở: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 05, ngày 23/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở được chú trọng thực hiện; qua đó, kết quả hoà giải thành của tỉnh đạt tỷ lệ khá cao (83,6%).

- Về công tác trợ giúp pháp lý: Là tỉnh có đồng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận các chính sách, pháp luật, nhận thức được vấn đề đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn.

Trong năm 2021, các cấp các ngành đã tổ chức 22 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, xã bãi ngang; tham gia tố tụng 573 vụ việc và tư vấn pháp luật 300 vụ việc,… trên địa bàn tỉnh; qua đó, đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân.

Kính thưa Hội nghị,

Bên cạnh những thuận lợi, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện như sau:

- Việc ban hành, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh còn gặp khó khăn, nguyên nhân là do hệ thống pháp luật hiện nay chưa thật sự đồng bộ, văn bản điều chỉnh một số lĩnh vực còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính ổn định và thường xuyên sửa đổi, bổ sung; việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật từng lúc chưa kịp thời.

- Chất lượng nội dung các cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số nơi từng lúc còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả qua công tác tuyên truyền.

- Về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý vi phạm hành chính của tỉnh: Theo Điều 19 Nghị định số 20, ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định: Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và Khoản 8 Điều 30 Nghị định số 81, ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý vi phạm hành chính ở địa phương có một số khó khăn do việc xây dựng cơ sở dữ liệu tốn rất nhiều kinh phí. Mặt khác, việc giao mỗi địa phương xây dựng phần mềm dẫn đến mỗi tỉnh xây dựng khác nhau, trường hợp không tích hợp được vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Tư pháp, sẽ gây lãng phí.

Kính thưa Hội nghị,

Nhân Hội nghị ngày hôm nay, tỉnh Sóc Trăng xin kiến nghị đến Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tư pháp một số nội dung sau:

- Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 55, ngày 04/7/2011 của Chính phủ theo hướng xem xét tính khả thi việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí biên chế phụ trách công tác pháp chế trong các cơ quan chuyên môn; đồng thời, quy định rõ chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức phụ trách công tác pháp chế.

- Kiến nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (ví dụ như tăng cường các chức năng về liên kết, tìm kiếm văn bản trên các nền tảng cơ sở dữ liệu sẵn có,...), tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận đầy đủ và miễn phí các văn bản quy phạm pháp luật, phục vụ cho công việc. Thực tế tại địa phương, các bộ phận làm công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật vẫn đang tự chi trả một khoản chi phí nhất định để sử dụng tài khoản trên trang điện tử như: Luật Việt Nam, Thư Viện pháp luật,...

- Kiến nghị Bộ Tư pháp xây dựng phần mềm Cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý vi phạm hành chính dùng chung trên toàn quốc và chuyển giao cho địa phương áp dụng và thực hiện (tương tự như việc xây dựng phần mềm quản lý hộ tịch trong thời gian qua).

Nhân dịp Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, một lần nữa, xin chúc đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tư pháp, cùng các đồng chí tham dự Hội nghị tại các điểm cầu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.