Một mùa xuân mới lại về với quê hương, đất nước. Xuân Nhâm Dần 2022 đánh dấu chặng đường ba mươi năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992-2022) với những bước phát triển mang tính đột phá, tạo nên diện mạo mới của Sóc Trăng. Trước thềm xuân mới, chúng tôi đã có trao đổi với đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng về những thành tựu đạt được trong 30 năm qua và những định hướng cho tương lai.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, xin đồng chí cho biết những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng đạt được sau gần ba mươi năm tái lập tỉnh Sóc Trăng?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Năm 1992, tỉnh Sóc Trăng được tái lập từ tỉnh Hậu Giang (cũ); những ngày đầu mới tái lập, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh rất khó khăn, nền kinh tế thuần nông (khu vực I chiếm 71,3%); diện tích đất đai hầu hết bị nhiễm phèn, mặn; kết cấu hạ tầng yếu kém, lạc hậu; cơ sở vật chất ngành y tế, giáo dục còn thiếu thốn; mức hưởng thụ của nhân dân trong các hoạt động văn hoá, xã hội còn hạn chế; tổng sản phẩm nội tỉnh chỉ đạt 1.268 tỷ đồng; diện tích lúa 1 vụ có năng suất thấp (3,4 tấn/ha), tổng sản lượng lúa đạt khoảng 820.000 tấn; đời sống nhân dân trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, có đến 27,7% hộ thiếu đói và 36,7% hộ nghèo.

Gần 30 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, được sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực, cơ hội, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng và phát triển tỉnh SócTrăng, đạt được những kết quả to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực. 

Kinh tế liên tục tăng trưởng và cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1992-2020 là 12,65%/năm. Trong năm 2021, trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19, tăng trưởng GRDP tuy chỉ đạt 1,18% nhưng Sóc Trăng là tỉnh đứng thứ 3/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và có tăng trưởng dương. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng trong nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là sản xuất lúa và nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản không ngừng phát triển. Từ một tỉnh thường xuyên thiếu lương thực, đến nay Sóc Trăng có mức đóng góp quan trọng vào sản lượng xuất khẩu gạo của khu vực, tổng sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn/năm; trong đó, sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm tỷ trọng 74,3%, riêng lúa đặc sản, lúa thơm các loại là 1,1 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 53,4% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 207 triệu đồng. Sóc Trăng cũng nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu khu vực, cả nước về sản lượng nuôi trồng thuỷ sản, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản.

Sản xuất công nghiệp không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Toàn tỉnh được quy hoạch 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.106 ha và 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 794 ha, góp phần tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, tăng khối lượng và giá trị hàng hoá xuất khẩu; đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…). Theo quy hoạch khu vực tiềm năng phát triển dự án điện gió đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh được quy hoạch các dự án điện gió với tổng diện tích trên 37.000 ha, tổng công suất dự kiến là 1.470 MW. Đến nay, tỉnh đã cấp chủ trương cho 17 dự án với tổng công suất là 1.195 MW; hiện đang triển khai thi công 11 dự án; đến nay có 4 dự án được vận hành thương mại, với trên 110 MW. Hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế; chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư và phát triển, nhất là hạ tầng về giao thông, tạo nên diện mạo, sắc thái mới cho tỉnh; tỉnh đã tranh thủ Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp III, cấp IV đồng bằng. Thực hiện xã hội hóa đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 gắn với mở rộng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ thành phố Sóc Trăng đến huyện Châu Thành với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp; Quốc lộ 61B, Quốc lộ Nam sông Hậu...; ưu tiên đầu tư các công trình, dự án tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, tập trung đầu tư hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường huyện, các tuyến đường kết nối thành phố Sóc Trăng với các vùng kinh tế trọng điểm, các khu, điểm du lịch của tỉnh... đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao thương hàng hoá, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng lên, hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá dân tộc được chú trọng, nâng tầm các lễ hội truyền thống lên cấp quốc gia và khu vực. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên; mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư; tính đến nay, toàn tỉnh có 351/467 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 75,16% tổng số trường. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ, mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách xã hội, chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3%. Sóc Trăng cũng đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công vào giữa năm 2019 và mỗi năm đều tích cực huy động các nguồn lực xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

{keywords}
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn. Ảnh: Q.K

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, còn đối với việc xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ ngày càng được nâng lên. Các cấp uỷ đảng tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, lãnh đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và các quy định về nêu gương, tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên được nâng lên. Tính đến nay, Đảng bộ tỉnh có hơn 46.700 đảng viên (năm 1992 là 8.889 đảng viên). Chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên không ngừng được nâng lên. Các cấp uỷ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, có bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, có năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phương thức lãnh đạo của cấp uỷ được đổi mới, gần dân, sâu sát với cơ sở, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm cho chủ trương, nghị quyết của Đảng được chấp hành và thực hiện có hiệu quả. 

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh luôn được giữ vững, ổn định. Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng tăng cường công tác phối hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động nắm tình hình, kịp thời xử lý các tình huống liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để bị động bất ngờ. Tiếp tục nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm có dấu hiệu hoạt động băng nhóm, tội phạm ma túy, trộm cắp, cướp giật tài sản... Các cấp uỷ quan tâm lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân tại các xã, phường trọng điểm.

Phóng viên: Thưa đồng chí, kế thừa những thành tựu đạt được trong gần 30 năm qua, định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo như thế nào?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Để cụ thể hoá, thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực; trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; huy động mọi nguồn lực phát triển công nghiệp, đô thị, xây dựng đô thị thông minh, xây dựng nông thôn mới; quan tâm đúng mức phát triển kinh tế biển, vùng ven biển.

Tích cực huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp nông thôn phục vụ cho phát triển nông nghiệp, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn có những thuận lợi khi được Trung ương quy hoạch, đầu tư các công trình, dự án trọng điểm trong tương lai như: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (điểm cuối kết nối vào Quốc lộ Nam sông Hậu tại huyện Trần Đề), cầu Đại Ngãi, Cảng biển nước sâu Trần Đề, tuyến đường trục Đông - Tây… sẽ tạo nên sức bật mới cho Sóc Trăng vươn tầm phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. 

Tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Thực hiện đồng bộ các giải pháp liên kết vùng để tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tập trung phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập của người dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, sản xuất lúa chất lượng cao; thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh đặc sản. Xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn phục vụ chế biến xuất khẩu.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Những thành tựu của tỉnh đạt được trong gần 30 năm qua rất quan trọng; mỗi chặng đường đi qua là những bài học kinh nghiệm quý báu, giúp cho Sóc Trăng vững bước đi lên trên những chặng đường tiếp theo. Với truyền thống đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân; sự thống nhất tư tưởng và hành động; ý chí tự lực, tự cường, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới trong giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người, chất lượng cuộc sống của người dân Sóc Trăng sẽ không ngừng được nâng cao.

Đón xuân Nhâm Dần 2022, thay mặt Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, tôi xin chúc các đồng chí cách mạng lão thành, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh, bà con là người Sóc Trăng hiện đang sống xa quê hương một năm mới mạnh khỏe, thành đạt và hạnh phúc!.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng