Đầu tư vượt quá năng lực, nợ tiền sử dụng đất và thuế…khiến tổng công ty này phải bán đi hàng loạt dự án, công ty mình đang sở hữu.
Mới đây, một dự án bất động sản “khủng” của HUD đã gây xôn xao giới địa ốc đó là Khu tổ hợp khách sạn-căn hộ cao cấp Ánh Dương, có vị trí đắc địa gần bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) đã được một đại gia trong lĩnh vực sân golf và khu công nghiệp mua lại. Giao dịch này được hoàn thành hồi tháng 11/2015.
Tổ hợp này được xây dựng trên khu đất 2,1ha có vị trí tại góc Phạm Văn Đồng -Võ Nguyên Giáp, khu đất vàng này trước đây giai đoạn 2010-2011 được cấp phép đầu tư cho Tổng Công ty HUD. Sau nhiều năm “đắp chiếu”, được biết chủ mới đã tái khởi động lại với kế hoạch đầu tư 10.000 tỉ đồng để triển khai tổ hợp gồm 1 tòa chung cư 47 tầng, 2 tòa chung cư 58 tầng và 1 tòa căn hộ - khách sạn cao 47 tầng.
Một công ty bất động sản khác đó là CTCP Phát triển nhà và đô thị Phú Quốc đang đầu tư 2 dự án tại Phú Quốc mà HUD sở hữu cổ phần cũng vừa được bán đi hồi đầu năm 2016.
Do khó khăn về tài chính nên 2 dự án bất động sản này đã phải giãn tiến độ từ năm 2014. Theo báo cáo tài chính năm 2015, thì tính đến giữa 2015 các cổ đông của công ty này đã đổ vào dự án hàng chục tỉ đồng, trong đó có khoản 44,6 tỉ cho trung tâm phát triển quỹ đất Phú Quốc để GPMB, phòng tài chính kế hoạch Phú Quốc 16 tỉ đồng. Đây là những chi phí dở dang cho dự án khu du lịch-đô thị Đường Bào (Bãi Trường). HUD đã bán đi 26,6% cổ phần của mình ở công ty này thu về 56,7 tỉ đồng.
Một loạt dự án bất động sản khác mà “ông trùm” địa ốc một thời này cũng đang có ý định bán đi ở một số địa phương. Trong đó đáng chú ý có việc bán đấu giá 1,5 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Khách sạn và Du lịch Bảo Việt ở Phan Thiết, công ty này có vốn điều lệ 60 tỉ đồng, giá khởi điểm 10.300 đồng/cp;
HUD cũng đang chào bán 280.000 cổ phần ở một công ty khác tại Phú Quốc, đó là CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Phú Quốc, có vốn điều lệ 500 tỉ đồng.
Được biết, khi còn ở thời hoàng kim giai đoạn 2006 – 2011, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà ở và đô thị (HUD) được biết đến là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển nhà ở và đô thị trên cả nước. Các dự án từ Bắc đến Nam đã cung cấp ra thị trường trên 4,8 triệu m2 nhà ở, được ví như “ông trùm” trong lĩnh vực địa ốc.
Đặc biệt là giai đoạn mà công ty chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ -công ty con từ 2006, thậm chí là thí điểm mô hình tập đoàn hồi năm 2010.
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này HUD đã phát triển “nóng” cùng với thị trường. Kết luận thanh tra HUD của thanh tra Chính phủ hồi tháng 5 năm 2015 cho thấy HUD đã quyết định đầu tư nhiều dự án vượt quá năng lực tài chính và quản trị. Để lại những khoản nợ kếch xù, theo tính toán vào khoảng 6.684 tỉ đồng, đây cũng là giai đoạn mà HUD tồn kho lớn (hơn 4.352 tỉ đồng), nợ tiền sử dụng đất hàng trăm tỉ đồng,…
Do đó, các dự án của HUD đã bị đình trệ, gặp nhiều khó khăn và phải bán lại cho đối tác khác. Ngay cả dự án tòa nhà văn phòng, trụ sở HUD Tower nằm trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) có tổng vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng chậm tiến độ nhiều năm, thị trường có thông tin dự án này đã dừng thi công hồi tháng 8/2015 khi đang hoàn thiện công trình do gặp khó khăn tài chính.
Theo Trí thức trẻ