- Phiên bản điện ảnh bộ phim Oshin công chiếu tối 15/11 tại Tp HCM, sau 2 thập kỉ, vẫn có thể lấy nước mắt của khán giả Việt Nam bởi tinh thần quật cường của cô bé Tanimura Shin 7 tuổi.
Bộ phim đã trở thành cây cầu nối trái tim và tinh thần Nhật Bản với phần còn lại của thế giới những năm cuối thế kỉ 20. |
Bản điện ảnh của đạo diễn Togashi Shin công chiếu tối 15/11 tại Việt Nam là một tác phẩm hoàn toàn mới mẻ so với phiên bản truyền hình. Vẫn giữ cốt truyện cũ, song hầu hết diễn viên đã được thay mới. Ấn tượng nhất là vai cô bé Oshin do diễn viên nhí Hamada Kokone đảm nhiệm - người đã được chọn sau một cuộc thi tuyển gắt gao với gần 2500 ứng cử viên.
Cảnh mở đầu của bản điện ảnh Oshin |
Hình ảnh cô bé 7 tuổi đơn độc đi ngược chiều cơn bão, chống chọi trước cuộc đời chính là hình ảnh xuyên suốt qua bộ phim. Nó cũng tiệp với cảnh cuối, khi Oshin một lần nữa, gạt nước mắt chào cha mẹ, đi làm thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Lần này, người xem nhìn thấy em từ phía sau lưng với một hiệu ứng ngược. Hình ảnh Oshin cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút.
Oshin rời xa cha mẹ đi làm thuê lần đầu tiên, năm 7 tuổi |
Những thân phận nhọc nhằn khác đã ám ảnh người xem trong suốt bộ phim là thân phận của người phụ nữ. Họ ở những lứa tuổi rất khác nhau. Có người nhỏ như Oshin, có người lớn hơn một chút như mẹ Fuji của em, có người đã già như bà ngoại Naka hay bà chủ Kuni của nhà Kaga-ya bán gạo. Họ lúc nào cũng đau đáu với gia đình. Oshin cứ nhớ mãi lời bà chủ Kuni nói về mẹ em lúc bắt gặp mẹ trên thành phố, ăn vận và trang điểm đẹp, líu ríu đỡ một vị khách đang say rượu. Bà nói: "Người phụ nữ dù họ có làm gì, thì cũng là vì chồng, vì con, vì gia đình. Họ không bao giờ vì bản thân mình cả".
Oshin từng là một bộ phim truyền hình gây chấn động không chỉ vì nó khắc họa được hình ảnh của một người phụ nữ nhỏ bé, đơn độc, kiên tâm chống chọi trước cuộc đời; mà còn vì đó là một bộ phim lên án chiến tranh, sự thiếu đồng cảm của người đàn ông, thói gia trưởng hay sự vô tâm để gánh nặng gia đình trút lên vai người phụ nữ qua nhiều thế hệ.
Ở phiên bản điện ảnh, hai thông điệp này không rõ ràng như phiên bản truyền hình, nhưng người xem không khỏi cảm thấy đau lòng và rơi lệ khi nhân vật Fuji Tanimura (mẹ Oshin) dầm mình trong con suối lạnh buốt để sảy thai vì nhà không đủ gạo nuôi 8 miệng ăn. Hay khi bà ngoại Naka hấp hối, bà được bón cho miếng cháo trắng đầu tiên trong đời - là gạo của Oshin được trả công từ thành phố.
Oshin và mẹ |
Bản điện ảnh chỉ khắc họa thời kì từ năm 1907 đến năm 1909, thời thơ ấu của Oshin. Ngoài diễn xuất thành công của diễn viên nhí Hamada Kokone, không thể không kể đến diễn xuất của nữ diễn viên nổi tiếng Nhật Bản Aya Ueto trong vai người mẹ. Năm 2004, cô từng đoạt giải thưởng Hàn lâm Japan Academy Prize qua vai chính ấn tượng là một nữ sát thủ trong bộ phim điện ảnh Azumi. Một điểm thú vị nữa trong bản điện ảnh Oshin là diễn viên nhí đóng Oshin hồi nhỏ phim truyền hình năm xưa, nay sẽ vào vai bà chủ Mino - nhà Kaga-ya buôn gạo.
Oshin (2013) được chọn công chiếu mở màn Liên hoan phim Nhật Bản (diễn ra từ 15 đến 21/11) tại TP HCM. Tác phẩm cũng đã giành giải phim xuất sắc nhất ngành phim quốc tế tại Liên hoan phim Kim kê Bách hoa (Trung Quốc) tháng 9 năm nay.
Một số cảnh quay trong phiên bản Oshin điện ảnh:
Hồ Hương Giang