- Nằm sừng sững giữa Thủ đô, mặc dù đã nhiều lần được "nhắc nhở" nhưng hàng loạt công viên, hồ nước trên địa bàn Hà Nội hàng ngày vẫn bị lấn chiếm, phá vỡ quy hoạch.

Công viên "tức tưởi"

"Nhận trông giữ xe máy, ôtô 24/24h" - biển quảng cáo như thế này được treo, viết la liệt ở xung quanh khu vực Công viên Tuổi trẻ. Phía phố Thanh Nhàn, cổng công viên bị che kín bởi những chiếc xe ôtô khách và biển quảng cáo nhà hàng. Cách đó chừng 50m, phía chếch cuối phố Võ Thị Sáu giao với Thanh Nhàn là nhà hàng Vạn Tuế và lối đi vào siêu thị Fivimart. Đi vào cổng khoảng 20m là những khu vực được quây làm chỗ để ôtô.

Cũng trong khuôn viên Công viên Tuổi trẻ, nào là quán karaoke Jaguarudi, café Tuổi trẻ, nào là nhà hàng tiệc cưới Tuổi trẻ Thủ đô, nhà hàng Queen Bee II, nhà hàng Cung Xuân... Chưa hết, bao quanh tượng đài Võ Thị Sáu là vài chục chiếc ôtô đậu dài, san sát nhau.

Bà Nguyễn Hạnh Ly (khu tập thể Thương Mại) tâm sự: "Mỗi lần vào trong công viên tập thể dục tôi phải đi lách qua chỗ bãi xe, hít mùi xăng, khói. Thế nên lâu nay chúng tôi không vào đây nữa, ở nhà còn khỏe hơn".

Ngoài công viên Tuổi trẻ, hàng loạt công viên khác như Thủ Lệ, Indira Gandhi (công viên hồ Thành Công)... cũng bị phá vỡ quy hoạch, lấn chiếm vì mục đích sử dụng khác.

Công viên bị tận dụng để làm bãi trông giữ xe ôtô (ảnh T.P)

Chẳng hạn, án ngữ trước cổng công viên hồ Thành Công là tòa nhà Petrotimes (PVN) và khách sạn Phương Đông. Phía bên trong công viên là một quán cafe. Bao vây quanh công viên Thủ Lệ cũng là những quán cafe, nhà hàng, khu giải trí, trượt ba tanh... Hay hàng loạt các nhà hàng, sân tennis rộng hàng trăm mét vuông khép kín đang bao quanh công viên Thủ Lệ trên phố Đào Tấn. Nhà hàng ẩm thực Phố Ngói, bia tươi Hà Nội được xây dựng khang trang, mặt tiền hướng ra phố Đào Tấn, lưng quay vào phía trong khuôn viên công viên.

Ông Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) cho rằng, hồ Thành Công như "ao làng" bởi cao ốc mọc chung quanh, quy hoạch bị phá vỡ và hồ Hoàn Kiếm cũng tương tự như vậy nếu mấy năm trước không ngăn chặn được việc xây dựng tòa nhà Điện lực.

Tại sao xử lý không nổi?

Hàng loạt sai phạm về quy hoạch, lấn chiếm đất công viên diễn ra từ nhiều năm nay, tuy đã được xử lý nhưng chưa mấy hiệu quả. Ông Nam chất vấn: "Xây dựng trái phép tại công viên Thủ Lệ đã diễn ra 4-5 năm nay, thành phố đã yêu cầu phá dỡ tất cả công trình lấn chiếm nhưng nhà hàng vẫn ngang nhiên tồn tại. Công viên Tuổi trẻ sai phạm của chủ đầu tư kéo dài tới 10 năm liên tục, đã chất vấn ở hai kỳ họp HĐND và TP đã thay đổi chủ đầu tư mà đến nay vẫn tiếp tục sai phạm".

Bên ngoài là biển quảng cáo nhà hàng, bên trong là bãi đỗ xe. Người dân không còn hứng thú vào đây tập thể dục (ảnh T.P)

Thừa nhận về sai phạm ở công viên Tuổi trẻ, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho hay, các hạng mục xây dựng trong công viên từ những năm 2001 đến 2007 phần lớn không có giấy phép xây dựng; 25/29 hạng mục đầu tư trong giai đoạn này sai quy hoạch, phải phá vỡ 23 hạng mục. Năm 2007, UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND quận Hai Bà Trưng, phường Thanh Nhàn, Tổng công ty Du lịch Hà Nội thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ các hạng mục sai phạm gồm: nhà hàng Tuổi trẻ đường Võ Thị Sáu; nhà dịch vụ tennis; nhà khung thép đa năng; nhà kho, nhà dịch vụ tennis, sân khấu; đường đua thể thức 1 và lán... Tuy nhiên, việc xử lý của quận Hai Bà Trưng quá chậm tiến độ và Sở Xây dựng không kịp thời đôn đốc giải quyết.

Còn đối với sai phạm trong quy hoạch công viên hồ Thành Công, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, khẳng định, quy hoạch tòa nhà PVN bên hồ Thành Công đã được UBND TP phê duyệt cuối năm 2004. Song trước đó, năm 1996, thành phố đã có quy hoạch xây dựng khách sạn cao tầng tại vị trí này và kêu gọi đầu tư. Sau này, Tập đoàn Dầu khí mua lại dự án khách sạn và biến thành văn phòng theo quy hoạch trước kia. Những công trình mới như nhà văn hóa và bể bơi Thành Công, khu tổ hợp văn phòng, nhà ở cho thuê chưa xây dựng thì sẽ được rà soát, kiểm soát mật độ xây dựng, giữ đúng quy hoạch công viên.

Riêng công viên Tuổi trẻ sẽ vẫn giữ nguyên tính chất của công viên theo quy hoạch ban đầu.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Khôi cũng cho biết, ngân sách thành phố không đủ để đầu tư cho các công viên hồ nước. Việc thực hiện xã hội hóa các công viên, hồ nước hết sức khó khăn vì nhà đầu tư đòi hỏi bù đắp bằng các công trình thương mại.

"Đối với công viên Thống Nhất, thành phố đã xem xét phương thức xã hội hóa, có ba nhà đầu tư vào nhưng họ tính phương án bù đắp chi phí bằng cách xây dựng năm tầng hầm ở dưới, trong đó chủ yếu kinh doanh dịch vụ. Công viên Đống Đa cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhà đầu tư cũng xin điều chỉnh để có phần dịch vụ kinh doanh. Nếu thực hiện như thế sẽ phá vỡ quy hoạch công viên, công viên sẽ không còn là nơi vui chơi, giải trí cho người dân thủ đô nên thành phố không duyệt... Tất cả hoạt động dù to hay nhỏ, trách nhiệm trước tiên vẫn thuộc về thành phố", ông Khôi nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng lấn chiếm, xẻ thịt công viên, hồ nước, vị Phó Chủ tịch cho rằng, đối với công viên Tuổi trẻ, thành phố đã yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng khẩn trương chủ trì, chỉ đạo cưỡng chế, giải tỏa tháo bỏ 07 công trình tái lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích trong quý III/2012. Sở Xây dựng lập phương án trình UBND Thành phố để tách Công viên Tuổi trẻ ra khỏi Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ - Tổng công ty Du lịch HN để thực hiện theo mô hình quản lý công trình công ích dưới sự quản lý nhà nước của Sở Xây dựng; thực hiện từ 1/11/2012.

Thanh Phương