Đó là cách mà chính phủ Pakistan đã làm để ngăn chặn và kiểm soát an ninh tại quốc gia hồi giáo này.
Vào năm 2015, trong một động thái nhằm thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia một cách nhanh nhất để kiểm soát chủ nghĩa khủng bố, Pakistan đã yêu cầu người sử dụng di động tại quốc gia này phải cung cấp cho chính phủ các thông tin về sinh trắc học.
Cụ thể hơn, các thuê bao di động tại Pakistan khi đó bị buộc phải đăng ký dấu vân tay nhằm kiểm tra danh tính người sử dụng. Những thuê bao không thực hiện đúng quy định sẽ bị cắt sử dụng dịch vụ hoàn toàn. Đây là một điều không tưởng đối với người dân Pakistan lúc đó, nhất là sau một vài năm tăng trưởng bùng nổ của việc sử dụng điện thoại di động tại đây.
Đây là một bước đi rất cụ thể và rõ ràng của chính phủ Pakistan trong một nỗ lực nhằm khôi phục lại trật tự và pháp luật. Chỉ ít ngày trước đó, một vụ khủng bố của các phần tử Taliban đã giết chết hơn 150 giáo viên và học sinh ở một trường học tại Pakistan. Kết quả của những cuộc điều tra sau đó chỉ ra rằng, những kẻ khủng bố sử dụng điện thoại di động của một người phụ nữ không có mối liên hệ rõ ràng với chúng.
Điều khó khăn nhất mà chính phủ Pakistan là họ phải đối mặt với một khối lượng công việc khổng lồ. Khi đó, có khoảng 103 triệu chiếc SIM điện thoại, bằng với một nửa dân số quốc gia này thuộc diện mà các nhà quản lý không chắc là chúng còn hoạt động hoặc đã được đăng ký đúng.
Chính vì thế, các nhà cung cấp dịch vụ mạng đã phải đưa ra một thời hạn cụ thể để xác minh chủ sở hữu của những chiếc thẻ SIM. Kết quả là chỉ trong vòng 6 tuần, 53 triệu chiếc thẻ SIM thuộc sở hữu của 38 triệu người dân Pakistan đã được xác minh cụ thể thông qua việc kiểm tra sinh trắc học.
Theo phát biểu của một quan chức cấp cao trong Bộ Nội vụ Pakistan: “Một khi việc kiểm tra từng chiếc SIM được thực hiện, cùng với việc khoá những chiếc SIM không được xác minh, những kẻ khủng bố sẽ không còn có thể lợi dụng công cụ này nữa. Chính phủ biết rằng đây là một công việc khó khăn, cả với các nhà mạng cũng như những khách hàng của họ. Tuy nhiên đây là một việc phải làm như một nghĩa vụ đối với quốc gia”.
Pakistan đã phải trải qua một khoảng thời gian kéo dài hàng thập niên để chống lại sự leo thang của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Người dân tại đây đã quen dần những rắc rối bởi các phòng tuyến an ninh và các trạm kiểm soát của cảnh sát. Và họ phải tiếp tục đối mặt với một sự bất tiện khác khi phải đổ xô vào một cửa hàng bán lẻ nhằm xác minh danh tính cho chiếc điện thoại của mình.
“Tôi dành cả ngày để làm việc và đôi khi kéo dài việc đó tới tận đêm khuya. Tôi không đủ khả năng xếp hàng hằng tiếng đồng hồ để có thể sở hữu chiếc thẻ SIM của chính mình. Nhưng nếu tôi không làm điều này, tôi sẽ không thể giữ được liên lạc với gia đình”, Abid Ali Shad, một tài xế taxi chia sẻ trong khi đang xếp hàng chờ lấy dấu vân tay tại một cửa hàng điện thoại di động.
Những chiếc điện thoại di động xuất hiện lần đầu tại Pakistan vào năm 1991. Tuy nhiên việc sử dụng điện thoại di động chỉ thực sự bùng nổ tại quốc gia này khi đã qua thế kỷ 20. Theo cơ quan Viễn thông Pakistan, kể từ thời điểm năm 2003, lượng thuê bao di động tại đây đã tăng từ 5 triệu lên 136 triệu thuê bao.
Ước tính của Ngân hàng thế giới cho biết, tỷ lệ thuê bao di động tại Pakistan hiện nay là 73%. Con số này tương đương với tỷ lệ ở quốc gia láng giềng Ấn Độ. Điện thoại di động ở Pakistan cũng đã phổ biến ở những vùng sâu vùng xa hoặc các khu vực miền núi, nơi địa hình bị chia cắt và người dân khó có thể tiếp cận với các phương tiện giao thông.
Với việc còn khoảng 50 triệu chiếc SIM cần được xác minh, các nhà mạng tại Pakistan đã cử nhiều tổ công tác vào tận những khu vực nông thôn và miền núi nhằm thông báo về chủ trương mới của chính phủ. Omar Manzur, giám đốc điều hành của nhà mạng Mobilink còn cho biết: “Chúng tôi đã gửi 700 chiếc xe đi khắp Pakistan, đến từng các làng mạc và thị trấn nhỏ”.
Có một khu vực hầu như không bị ảnh hưởng bởi kế hoạch này. Đó là vùng giáp ranh biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Đây là nơi mà rất nhiều các chiến binh hồi giáo tìm kiếm nơi ẩn náu. Các nhà mạng tại Pakistan thường không cung cấp dịch vụ di động tại những khu vực này. Và người dân Pakistan tại đó phải sử dụng dịch vụ của nước láng giềng phía bên kia biên giới.
Theo chính phủ Pakistan, dấu vân tay của các thuê bao di động được kết hợp với những thông tin có trong hồ sơ về cơ sở dữ liệu quốc gia của nước này. Những thông tin chưa có trong hệ thống sẽ được nộp bổ sung cho Cơ quan đăng ký và Cơ sở dữ liệu quốc gia. Với những trường hợp là người tị nạn và không đủ điều kiện để được cấp quyền công dân Pakistan, họ phải tuyên thệ và được chứng nhận bởi toà án trước khi có thể được cấp quyền sử dụng những chiếc điện thoại di động.
Không chỉ có Pakistan, một vài quốc gia khác bao gồm Ấn Độ và Nam Phi cũng đã tiến hành thu thập thông tin sinh trắc học của dân chúng. Tuy nhiên chưa có quốc gia nào thực hiện điều đó nhanh như với trường hợp của Pakistan.
Wahaj us Siraj, giám đốc điều hành của nhà mạng Nayatel cho biết: “Ở một đất nước mà cơ sở hạ tầng thiếu thốn như Pakistan, đây là một điều chưa từng thấy”.
Ông Ammar Jaffri, cựu phó giám đốc cơ quan điều tra liên bang Pakistan cho biết, khi quá trình kiểm tra và rà soát trên toàn quốc gia kết thúc, cảnh sát và các nhân viên tình báo sẽ dễ dàng hơn trong việc truy tìm nguồn gốc của bọn tội phạm hoặc các cuộc tấn công khủng bố. Điện thoại di động thường xuyên được sử dụng như một công cụ để kích hoạt các vụ nổ bom. Bên cạnh đó, những nhóm chiến binh còn hay sử dụng các thiết bị này để thực hiện những cuộc gọi tống tiền hoặc đòi hỏi các yêu sách.
Vị cựu phó giám đốc cơ quan điều tra liên bang Pakistan cũng cho rằng, người dân cần phải chấp nhận một điều là chiếc thẻ SIM gần như một phần của chính bạn. Và một điều nữa là tất cả các quyền riêng tư của mỗi cá nhân đều không thể nào được đặt trên các quy định của chính phủ.
“Theo dõi các hoạt động của mọi người là một việc làm tự nhiên. Mọi quốc gia đều làm như thế”, Jaffri – chủ tịch Hiệp hội An ninh thông tin Pakistan cho biết.
Tại một điểm giao dịch của nhà mạng Mobilink ở thủ đô Islamabad, ông Muhammad Safdar (30 tuổi) nói rằng có tới 6 thẻ SIM được gắn vào thông tin cá nhân của mình. “Trước khi chính phủ làm điều này, rất dễ để có thể mua một chiếc thẻ SIM, và tôi nghĩ rằng một số bạn bè của tôi thậm chí sở hữu những chiếc SIM với đăng ký tên tôi trong đó”.
Nhiều người Pakistan chia sẻ rằng họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, không ít trong số này cũng tỏ ra hoài nghi đây sẽ là lời giải cho cuộc khủng hoảng đã cướp đi sinh mạng của 50.000 người dân và binh sĩ tại quốc gia này trong hơn 13 năm qua.
“Nếu điều này mang lại hoà bình, mọi thứ sẽ ổn thôi. Nhưng tôi đang tự hỏi làm thế nào một chiếc điện thoại di động có thể mang lại hoà bình”, Khan Gul, người đàn ông mà ngón cái vẫn còn đang thấm đẫm màu mực lăn dấu vân tay chia sẻ.
Trọng Đạt (Theo The Washington Post)
Các nước có yêu cầu người dân chụp ảnh khi đăng ký thuê bao?
Bài viết giới thiệu quy định khi đăng ký SIM trả trước tại một số quốc gia trên thế giới, để độc giả có cái nhìn toàn diện về vấn đề này.
Thái Lan quản lý thuê bao di dộng như thế nào?
Cơ quan quản lý của Thái Lan yêu cầu người sử dụng di động cũ và mới đăng ký dấu vân tay để xác thực. Trước đó, các nhà bán lẻ buộc phải chụp ảnh mã thẻ SIM và chứng minh thư của người mua để kích hoạt.
Không phải mọi người đều phải chụp ảnh khi đăng ký thuê bao điện thoại
Việc chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại.
Vì sao cần chụp ảnh khi đăng ký thuê bao điện thoại?
Nếu các SIM thuê bao có thông tin chính xác thì sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho người dân.