Tiếp tục dẫn đầu trong Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã khẳng định vị thế và sự phát triển vượt trội trong nền kinh tế quốc dân, đồng thời khẳng định năng lực và khả năng cạnh tranh cua Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước.


Khu bể chứa nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ngày 25/11/2010, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (VietNam Report) kết hợp với Báo điện tử VietnamNet công bố bảng xếp hạng VNR500 - TOP 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2010. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế vượt trội và giữ vững vị trí số 1 trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam năm 2010.

Ngoài ra, Bảng xếp hạng VNR500 - TOP 500 cũng vinh danh nhiều đơn vị thành viên của Petrovietnam như: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư PETEC, Công ty TNHH 1TV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty CP Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC), Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans), Công ty CP Phân phối khí thấp áp (PV Gas D), Công ty CP Dầu khí Mekong…

Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận và biểu dương quy mô, năng lực của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam dựa trên việc nghiên cứu và đánh giá độc lập các chỉ số doanh thu và các chỉ số kinh tế khác của các doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế với sự tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, dựa trên mô hình Fortune 500.

Năm 2010, Bảng xếp hạng VNR500 được dựa trên số liệu điều tra cập nhật đến hết ngày 31/12/2009. Để được xếp hạng trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp mọi thành phần, doanh thu tối thiểu của Doanh nghiệp phải trên 1.200 tỷ đồng và vào Bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân, doanh thu tối thiểu của Doanh nghiệp phải đạt trên 500 tỷ đồng. Bảng xếp hạng cung cấp một góc nhìn về toàn cảnh các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, góp phần đánh giá hiệu quả hoạt động và tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Và rất đáng ghi nhận khi các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp trên toàn cầu khi Top 50 doanh nghiệp đầu tiên trong Bảng xếp hạng năm 2010 đủ tiêu chí về doanh thu để có thể đứng trong Bảng xếp hạng Forbes 2000 về Top 2000 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.

Có thể nhận thấy, các doanh nghiệp Dầu khí được vinh danh lần này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: thăm dò khai thác dầu khí (PVEP); xây lắp, thi công xây dựng (PVC); bảo hiểm, đầu tư tài chính (PVI, PVFC); điện (PV Power); phân phối thương mại (Petrosetco); dịch vụ tổng hợp (PTSC); hóa chất, phân bón (PVFCCo, PV GAS)...
 
Điều đó không chỉ khẳng định quy mô, năng lực, sự phát triển hiệu quả, bền vững và tính chuyên nghiệp của mỗi doanh nghiệp ngành Dầu khí trên thị trường trong nước và quốc tế mà còn là niềm tự hào, đồng thời cũng là động lực để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên vững bước trên con đường chinh phục những thành công trong giai đoạn phát triển mới 2011 - 2015.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 20%/năm, hiện Petrovietnam đang đóng góp trung bình 28 - 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, chiếm trung bình 18 - 20% GDP của cả nước và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực từ tìm kiếm thăm dò, khai thác đến chế biến, vận chuyển, tàng trữ, phân phối và các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác từ dầu khí, Petrovietnam đã thực sự phát huy có hiệu quả vai trò trụ cột, đầu tàu của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cũng như là công cụ hữu hiệu trong điều tiết kinh tế vĩ mô.

  • Xuân Hòa