- Việc người dân xã Đạo Đức, huyện Nguyên Bình sẵn sàng lật ruộng, lật suối để đào quặng, đào vàng sa khoáng hai năm trước đã khiến người ta ngỡ ngàng vì sức cám dỗ của cuộc mưu sinh và sự vô trách nhiệm đối với môi trường sống. Thế nhưng, việc người dân dám lật nhà để đào quặng có lẽ chỉ có ở Bó Lếch, xã Hoàng Tung (huyện Hòa An), và, đau xót thay, cũng thuộc Cao Bằng.

Bài 1: Bán quặng xuyên biên giới như… bán rau!
Thời điểm hiện tại, ước tính, mỗi tuần các tư thương gom được hàng trăm tấn quặng thô từ Nguyên Bình để tuồn qua đường biên qua các điểm trung chuyển…


Cả bản thành… công trường 

Từ lâu, mỏ sắt Bó Lếch (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An) được biết đến là một trong những điểm mỏ có trữ lượng lớn, hàm lượng quặng sắt rất cao.

Quặng sắt lộ thiên ngay trên bề mặt đất mà không cần phải đào ao, đào thùng hay hầm lò mới có thể khai thác được. Đã có thời kỳ, người dân xã Hoàng Tung đi khai khẩn đất đồi làm nương, hay cải tạo đất ven suối làm đất trồng… còn bị mẻ cuốc vì cuốc phải những cục quặng sắt to như những hòn đá tảng. Thế nhưng, thời kỳ đó đã quá xa xôi…

Những "công trường" khai quặng trái phép tại Bó Lếch (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, Cao Bằng).
 

Mặc dù là đơn vị hành chính thuộc huyện Hòa An, thế nhưng, Hoàng Tung chỉ cách thị xã Cao Bằng chưa đầy 10 km, nằm ở ngay cửa ngõ đi vào huyện Nguyên Bình nhằm khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên hiện có.

Đây là điểm xã có địa hình khá bằng phẳng, đường giao thông tỉnh lộ đi vào tận điểm mỏ, đã được trải nhựa phẳng lỳ đạt tiêu chuẩn đường cấp 5, cấp 6 (đường có bề mặt rộng 3 – 5 mét).

Trước khi dự án khai thác mỏ sắt Bó Lếch được cấp phép, người dân xã Hoàng Tung thuần túy gắn bó với mảnh nương, mảnh rẫy và chỉn chu trồng rừng theo dự án PAM. Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi nhanh chóng!

Bó Lếch và Bó Bủn là hai bản nằm gần như hoàn toàn trong mỏ sắt Bó Lếch. Chủ dự án sau khi được cấp phép đã tiến hành đền bù GPMB, gần như 100% các hộ dân đã đồng ý.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà dân tiếp tục sinh sống tại đây và chưa di dời. Bằng chứng, vẫn còn những ngôi nhà hai tầng kiên cố bám trụ, cùng với một vệt nhà mái ngói, nhà cấp bốn vững chắc phân bố dọc theo sống đường xương cá.

Khoét hầm lò rỗng ruột đồi để đào quặng tại thôn Bó Lếch.
 

Quanh những ngôi nhà đó, những vườn chuối xanh um, những ruộng ngô đang trổ hoa… vẫn lên xanh bời bời. Hai nhà văn hóa (nhà văn hóa thôn Bó Lếch, nhà văn hóa thôn Bó Bủn) được xây dựng từ năm 2006 vẫn kiên cố không có dấu hiệu phải di dời.

Đây là hai công trình phúc lợi được chủ đầu tư dự án mỏ sắt Bó Lếch xây dựng để “tặng” cho địa phương, như một sự “trả nghĩa” cho việc lật đất lấy quặng kiếm lợi nhuận của mình.

Người dân Bó Lếch, Bó Bủn đã lật tung vườn tược, thậm chí khoét hầm, đào lò trên những quả đồi sau nhà để tìm quặng.

Ba nhà dân liền kề nhà văn hóa thôn Bó Bủn, hố quặng đã ăn vào đến tận phần móng nhà, sau khi mảnh sân trước đó được lát gạch để làm chỗ phơi nông sản cũng đã bị lật tung không thương tiếc.

Khi chúng tôi thực tế “công trường Bó Lếch”, cả xóm vắng lặng không một bóng người. Chỉ có những đống quặng đã được khai thác chất đầy hai ven đường, trên sân nhà…

Những đống đất thải chất cao như núi. Thi thoảng mới gặp một vài cây tạp đứng trơ trọi bên những đống đất thải khổng lồ.

Sát chân móng nhà văn hóa Bó Bủn là một hố quặng đang khai thác dở, bị khoét sâu chừng vài ba mét, chạy dài cả chục mét. Đầu hố bên kia lô nhô những bao tải chứa quặng chất đống.

Nơi đây trước kia là những mảnh vườn của người dân.
 

Phía bên kia đường, những công trường khai khoáng của các nhà dân chạy dài thành một vệt và được ngăn ranh giới bằng những rào tre tạm bợ.

Trước đây, đó là những mảnh vườn thuộc sở hữu của nhà dân, và có lẽ đó là những vườn chuối, vì những đống đất thải chất ùn sang một bên mới chỉ lấp đến ngọn cây, để chừa những tàu lá chuối phất phơ.

Một buồng chuối non chưa kịp đầy quả bị phạt ngang không thương tiếc, nằm chỏng chơ lẫn với màu đất đồi đỏ quạch. Bên cạnh, vài chiếc ô sắt hoen gỉ trơ trọi (có lẽ để che mưa nắng cho “thợ mỏ”), những dụng cụ cuốc, thuổng, sàng… ngổn ngang.

Ở mỗi điểm khai quặng, chỉ có những đống quặng chất đầy ước chừng cả chục tấn. Một vài chiếc máy xúc không biển số chềnh ềnh hẳn trong vườn, hay khuất sau những rặng tre hiếm hoi còn sót lại.

Tấp nập ăn quặng đêm

Cảnh tượng ở Bó Lếch khác hẳn khi về đêm. Con đường lầy lội chật chội thêm vì có dàn xe trọng tải lớn cả chục chiếc đang đỗ để bốc quặng.

Căn nhà đối diện nhà văn hóa Bó Bủn ở độ cao chừng 2m so với mặt đường, một chiếc xe tải ghếch thùng xe sát sân. Bên trên, khoảng chừng chục người đang hối hả cân quặng.

Ba bóng điện được kéo hẳn ra để lấy ánh sáng. Một chiếc máy xúc hục hoặc xúc từng gầu quặng lớn đổ lên thùng xe.

Một gầu xúc, khối lượng quặng cũng lên tới 5-6 tấn.

Nhiều chiếc xe khác đỗ trong các ngóc ngách xóm, bật pha sáng quắc, tiếng máy nổ ầm ĩ. Đó là những chiếc xe chờ tới lượt mình bốc quặng.

Điểm tập kết quặng KM5 phường Đề Thám (thị xã Cao Bằng).
 

Những chiếc xe khác cũng làm một công việc tương tự tại các điểm khai thác quặng: chuyển quặng thô được khai thác vào ban ngày đưa đến các điểm tập kết.

Ở Bó Lếch, Bó Bủn, mỗi nhà dân là một công trường khai thác riêng lẻ, phân chia theo diện tích đất vườn của từng nhà. Trong vòng một đêm, gần chục chiếc xe tải này “ăn” hết số quặng kể trên, sau đó đưa đến điểm tập kết.

Dưới ánh sáng của đèn xe, chúng tôi ghi lại được khá nhiều biển số xe. Hầu hết các xe đều mang biển số 20 (biển số xe tỉnh Thái Nguyên). Đây cũng là tỉnh có đội xe lớn nhất chuyên chở vật liệu nặng tại Cao Bằng, mà phần lớn là chở quặng.

“Ăn hàng” xong, chiếc xe nặng nề rời khỏi điểm bốc quặng theo hướng ra thị xã theo đường 3 cũ chạy thẳng đến trạm cân cây 5 để cân hàng.

Những khu đất trống quây tôn cao chừng 3-4 mét là những điểm tập kết quặng thô trước khi được xuất trái phép.
 

Sau khi cân xong, chiếc xe quặng chậm chạp bò ra đường mới (Ngã năm đường mới) hướng về phía Thị xã Cao Bằng. Đây cũng là hướng dẫn đến các huyện vùng biên Trùng Khánh, Phục Hòa, Trà Lĩnh – nơi có các cửa khẩu Tà Lùng, Hùng Quốc, Pò Peo… và là những cửa khẩu đưa quặng thô sang bên kia đường biên dẫn vào đất Trung Quốc - con đường mà chúng tôi khám phá được sau một đêm thức trắng cùng với đội xe chở quặng thuê chuyên “ăn hàng” về đêm.  

Theo thông tin đăng tải tại trang web của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Cao Bằng: Trong tháng 8/2011 (từ ngày 18/7 – 18/8, Sở TNMT tỉnh Cao Bằng tiếp nhận 14 hồ sơ; số hồ sơ chuyển từ tháng trước lên (tháng 7) là 17 hồ sơ.

10 hồ sơ đã được Sở xem xét, tiến hành kiểm tra thực địa và hoàn thiện hồ sơ có công văn trả lời; trình các ấp ra quyết định phê duyệt. Trong đó có hồ sơ xin chuyển nhượng giấy phép khai thác mỏ sắt Bó Lếch (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An).

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, chủ mỏ sắt Bó Lếch hiện đang thụ án hai năm tù giam do sử dụng chất ma túy. Trong thời gian đó, rất nhiều người dân đã tự ý khai thác quặng trên phần đất đã giao cho doanh nghiệp, dù đã nhận tiền đền bù từ DN này.

Còn trang web thông tin của Cty Cổ phần Ecotech Việt Nam thông tin: Cty Ecotech góp 60% vốn cổ phần với Công ty CP Thép Đông Á triển khai dự án khai thác và chế biến mỏ quặng sắt Bó Lếch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Kiên Trung

(còn nữa...)