Hàng loạt tin đồn thất thiệt về thực phẩm không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang và những người dân kinh doanh mặt hàng này cũng méo mặt, thậm chí có thể phá sản.
Những tin đồn hại dân
Mấy ngày qua, tin đồn về một xe hủ tiếu nấu nước lèo bằng chuột cống làm xôn xao cư dân mạng. Những người nghèo mưu sinh bằng xe hủ tiếu gõ lại thêm một phen lao đao. Đây không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng và tiểu thương bị ảnh hưởng bởi tin đồn. Đáng chú ý, các tin đồn thất thiệt này lại có tốc độ lan truyền nhanh chóng.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM, khẳng định, chưa phát hiện trường hợp nào nấu hủ tiếu bằng chuột. Thông tin nấu nước lèo hủ tiếu bằng chuột không có cơ sở khoa học, bằng chứng để chứng minh.
Cách đây không lâu, tin đồn thất thiệt về các cơ sở luộc bắp ở Hội An dùng pin kẽm, muối diêm và các hóa chất độc hại để luộc bắp nhằm tạo màu và giữ cho bắp lâu hư gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rộ lên từ những ngày trước Tết khiến người tiêu dùng không dám mua bắp luộc để ăn. Còn nông dân trồng bắp thì đang méo mặt vì loại bắp nếp nổi tiếng đến mùa thu hoạch mà chẳng có người nào đến mua.
Nông dân lao đao vì tin đồn
|
Người nông dân đồng bằng sông Cửa Long cũng từng bị thiệt hại nặng do tin đồn “người trồng dưa sử dụng hóa chất Trung Quốc để dưa lớn trái, ngọt hơn bình thường”. Theo phản ánh của người dân, đồn ác ý xuất hiện khiến giá dưa bán tại ruộng từ 3.000-4.000 đồng/kg rớt xuống còn 1.000-1.500 đồng/kg nhưng rất ít thương lái đến hỏi mua. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc và kết luận: “Tin đồn dưa hấu sử dụng hóa chất Trung Quốc chỉ là tin thất thiệt, bịa đặt”.
Nhiều người trồng bưởi chưa thể quên về cơn bão sụt giá sau tin đồn ăn bưởi gây ung thư. Tương tự, cá rô đầu vuông nguồn thu lớn của nông dân cũng rớt giá thê thảm có lúc chỉ còn mười mấy ngàn đồng/kg, chưa đủ vốn nuôi. Ngay sau đó là con cá kèo, thậm chí cá điêu hồng cũng lan ra nhiều tin đồn đầy ác ý.
Không chỉ nông sản, mà nhiều loại thực phẩm khác cũng chịu vạ lây. Từ thông tin sữa có đỉa, hạt hướng dương có chất teo não, đến ăn chuối bị ung thư, rồi chất gelatin trong chè khúc bạch được chiết xuất từ da động vật rất mất vệ sinh… tất cả những đồn thổi không chính xác đã làm người tiêu dùng nhiều phen khiếp vía, không dám dùng sản phẩm. Mới đây nhất, xuất hiện thông tin bịa đặt về “sinh vật lạ” trong sản phẩm mì tôm.
Thiệt hại trăm tỷ đồng
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay, tin đồn đã thật sự là một “kẻ thù giấu mặt” đầy nguy hiểm, có thể gây thiệt hại lên đến bạc tỷ, còn thiệt hại không tính được như trì trệ sản xuất, lao động mất việc làm cũng không hề nhỏ.
Đại diện một doanh nghiệp cho hay, khi có tin đồn ăn hạt hướng dương có chất gây teo não, chỉ trong một ngày, hàng loạt đối tác phản hồi, trả sản phẩm, thị trường tiêu thụ tê liệt. Sau khi được minh oanh, thị trường mới chỉ hồi phục được 70%.
Đại diện hội nông dân TP. Hội An cho biết, do tin đồn thất thiệt mà người nông dân trồng bắp lâm vào cảnh khốn khổ. “Chúng tôi đang báo cáo chính quyền và mời cơ quan có thẩm quyền về kiểm tra, giám định để trả lại sự trong sáng cho bắp Hội An và những người nấu bắp. Không có chuyện người nấu bắp dùng hóa chất độc hại…”, ông Phan Văn Liêu, chủ tịch Hội cho biết.
Mặc dù đã được minh oan nhưng sau những tin đồn không có căn cứ, thiệt hại lớn cho DN cũng như người nông dân. |
Chỉ một “tin đồn bưởi” trong thời gian ngắn, theo ước tính của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang, thiệt hại đã lên tới trên 100 tỷ đồng. Vùng bưởi lông Cổ Cò đã thiệt hại hơn 50 tỷ vì giá bưởi từ 10.000 đồng/kg sụt xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg.
Thị trường chứng khoán cũng một phen chao đảo trước tin đồn ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt. Phản ứng trước tin đồn này, thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ đã bị ảnh hưởng xấu.
Thực tế, hiện nay có tình trạng một số thành phần lợi dụng các trang mạng internet để gây hoang mang dư luận, thị trường, và không ai khác nạn nhân chính là doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đáng lên án là những tin đồn thất thiệt, sai sự thật. Những nguồn tin vô căn cứ như thế lại vô tình tác động mạnh đến lòng tin của dân chúng, khiến họ có những suy nghĩ sai lệch về sản phẩm, thậm chí hoang mang…Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD cho rằng, các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc nhanh hơn nữa để tìm ra câu trả lời sớm, thông tin rộng rãi tới NTD. Cơ quan chức năng cũng cần có các giám sát, xử lý những thông tin chưa có kiểm chứng, kiểm tra thực tế. Còn về phía người tiêu dùng, cần phải tỉnh táo, chờ thông tin chính thức, minh bạch từ cơ quan chức năng, tránh bị dao động bởi những tin đồn thất thiệt khiến bị hoang mang.
D.Anh