Cứu phụ nữ mang thai bị khó thở
Nhiều hành khách gặp sự cố về sức khỏe khi máy bay đang bay. Những lúc như thế, các tiếp viên hàng không rất căng thẳng (Ảnh minh họa: Internet) |
Trên chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội đầu năm 2011, khi mọi người vừa dùng bữa trưa xong thì một phụ nữ chừng 30 tuổi bị khó thở.
Đến lúc này nữ hành khách trên mới cho biết mình đang mang thai tháng thứ 4. Do chị chửa con so, bụng gọn và không khai báo nên nhân viên sân bay dưới mặt đất không phát hiện ra.
Ly bàng hoàng kể lại: “Trời ơi! Em nghĩ sao chị ấy lại chủ quan và coi thường tính mạng của mình đến thế. Nếu chị ấy báo trước là đang mang thai thì tụi em đã nắm được và có chế độ chăm sóc sức khỏe riêng. Khi xảy ra sự cố rồi chị ta mới nắm chặt tay em, cầu xin hãy cứu chị ta và đứa bé”.
Bản thân nữ tiếp viên Ly thấy hành khách mang thai khó thở nên trong lòng cũng lấy làm kinh hãi. Tuy nhiên, ngoài mặt Ly vẫn tươi cười, động viên để làm an lòng thai phụ. Mặt khác cô đỡ khách vào cabin, làm những động tác y tế hỗ trợ đã được tập huấn kỹ và giữ cho thai phụ ấm người trở lại.
Rất may mắn, một lúc sau thai phụ thở được bình thường và không có gì đáng tiếc xảy ra.
Sản phụ sinh con trên máy bay
Trước đó vào lúc 11h30 phút ngày 16/1/2011, chị Nguyễn Thị Lập, 27 tuổi, quê Hà Tĩnh đã hạ sinh một bé trai nặng 2,5kg ngay trên máy bay mang số hiệu BL520 từ TP.HCM đi Vinh của hãng JPA.
Đại diện của JPA cho biết, khi máy bay đang trên đường ra đường băng thì chị Lập kêu đau bụng. Đội bay lập tức thông báo tình huống cho đội phục vụ mặt đất và quay máy bay trở lại sây bay.
Tuy nhiên, chị Lập đã chuyển dạ và sinh bé trai ngay khi máy bay chưa vào đến điểm đỗ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Và đây cũng là ca sinh con đầu tiên trên máy bay tại Việt Nam.
Theo các tiếp viên trên chuyến bay BL520, chỉ cần quyết định và thông báo cho cơ trưởng chậm một 1 phút, máy bay cất cánh thì phải 40 phút sau mới có thể hạ cánh ở sân bay Vinh. Lúc đó tính mạng của bà mẹ và em bé sẽ rất nguy hiểm.
Chưa kể, điều kiện không gian, áp suất và y tế trên máy bay là một trở ngại khiến các tiếp viên, hành khách gặp khó khăn trong việc đỡ đẻ cho sản phụ.
Cứu bé 2 tuổi không thở được vì dịch ói trong mũi
Đồng nghiệp của Ly, nữ tiếp viên hàng không tên Hạnh cũng từng bị một phen hú vía vì hành khách gặp sự cố sức khỏe trên máy bay.
Chuyến bay đó từ Hà Nội vào TP.HCM. Trên máy bay có em bé 2 tuổi. Bé này bị nôn ói từ lúc dưới mặt đất nhưng cha, mẹ không để ý.
Đến khi máy bay cất cánh lên không trung, em bé bắt đầu ngủ say. Trong lúc ngủ, điều hòa lạnh, dịch ói ở mũi đóng cứng lại làm bé không thở được.
“Tự dưng em nghe tiếng cha mẹ em bé trên kêu thất thanh tìm sự trợ giúp. Em vội vàng bơm dung dịch làm lớp đóng trong mũi bé mềm trở lại. Lúc đó em bé khóc rất dữ, chân tay khua khoắng, mình mẩy vặn vẹo làm công tác sơ cứu khó khăn. Em chỉ lo chuyện không hay xảy ra nhưng rất may mắn bé đã thở được bình thường” – Hạnh rùng mình hồi tưởng.
Cũng có lần Hạnh gặp phải tình huống một hành khách quá hoảng sợ khi máy bay đi qua vùng thời tiết xấu. Lúc này người phụ nữ nói trên mặt tái xanh tái mét, chân tay bủn rủn, người xụi lơ.
Bằng cử chỉ ân cần, Hạnh nắm lấy tay người phụ nữ, cố gắng trấn an, giải thích cho chị ta hiểu hiện tượng máy bay bị hẫng, rung lắc là hết sức bình thường nên không có gì phải sợ và điều đó cũng không gây nguy hiểm gì cho chuyến bay.
Sau khi nghe Hạnh giảng giải, nữ hành khách như hiểu ra, yên tâm hơn, sắc mặt hồng trở lại.
Khi đang bay trên trời chẳng may xảy ra sự cố thì không thể có sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Lúc này, hơn ai hết, hành khách cần đặt niềm tin vào tiếp viên hàng không, bởi họ đã được huấn luyện rất kỹ để xử lý các tình huống nguy hiểm, và chỉ có họ là người hiểu về máy bay nhất.
Thanh Huyền
Bài 4: Tiếp viên hàng không trả giá đắt vì tiếp tay buôn lậu