“Việt Nam còn có thứ văn hóa không nhúc nhích như bàng quan, vô cảm, thờ ơ trước những vấn đề của đất nước. Vô cảm trước nhân dân, đặc biệt các vấn đề của xã hội, của đất nước, thấy tiêu cực không đấu tranh…”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lại có những tuyên bố rất sát với tình hình hiện nay trong đời sống xã hội tại hội nghị tổng kết của Bộ VH-TT&DL hôm 12-1.
Sự bàng quan, vô cảm, thờ ơ trước những vấn đề của đất nước chẳng biết có căn nguyên từ đâu nhưng có lẽ nó đã trở thành một vấn nạn nhức nhối. Người ta cố gắng tránh những phiền phức có thể xảy đến với mình mà không dứt khoát đấu tranh. Điều đó thật khác với một nguyên lý rằng: Chuyện xảy ra cho người khác hôm nay có thể là chuyện xảy ra cho mình ngày mai.
Người ta vẫn còn nhớ năm 2014 ông Nguyễn Hữu Thắng, khi đó là cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ GTVT đã nói về việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội giá hơn 300 triệu USD rằng: “Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội hai lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tí đã rùm beng cả lên”.
“Điều chỉnh một tí đã rùm beng cả lên”, phát ngôn này lập tức gây bão dư luận và ông Thắng sau đó bị đình chỉ chức vụ. Bởi lẽ “một tí” mà ông Thắng nói đáng giá hơn 300 triệu USD và nó là gánh nặng mà con cháu chúng ta phải trả.
Thế nhưng đó cũng chưa phải là điều đáng lo ngại nhất. Vấn đề tham nhũng, tiêu cực hiện nay, như Đảng xác định, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đảng đã hiệu triệu và kêu gọi chống tham nhũng ngay trong nội bộ từng cơ quan và toàn dân. Tuy nhiên, dường như năng lực chống tham nhũng từ bên trong vẫn chưa trở thành hiện thực, gần như không có trường hợp nào tự phát hiện tham nhũng cả. Người ta vẫn xem tham nhũng là chuyện ở đâu đó ngoài cơ quan, nội bộ của mình.
Đồng ý các vụ tham nhũng gần đây phần lớn là người dân và báo chí phát hiện nhưng rõ ràng trên phạm vi xã hội, việc phát hiện và tố cáo tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa trở thành một hoạt động thường xuyên. Có lẽ thế mà ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong một tọa đàm mới đây tại Ban Tuyên giáo Trung ương đã kêu gọi để phát động và hình thành một phong trào toàn dân chống tham nhũng. Chắc hẳn khi nào việc chống tham nhũng trở thành hành động của mọi cơ quan, mọi người dân thì nó mới tạo ra thế đối trọng thực sự để chống lại đại họa thấy trước này.
Tất nhiên nói thì dễ nhưng để làm được như thế thì những điểm tựa tin cậy cần phải được thiết lập. Nó phải thực sự xuất phát từ hành động mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo chiến đấu không khoan nhượng trước các thế lực, các nhóm lợi ích đang bòn rút đất nước, làm suy kiệt nguồn lực chung của quốc gia. Hành động đó đủ sức cuốn hút toàn dân cùng đứng về phía nhà nước, cùng đấu tranh cho lợi ích chung của quốc gia dân tộc. Có như thế thì toàn dân sẽ cùng “nhích”, cùng hành động với nhà nước trong cuộc chiến đầy cam go này, bởi lẽ lợi ích chính đáng của mỗi công dân sẽ được tìm thấy khi soi rọi vào lợi ích chung của đất nước.
Theo Chân Luận/Pháp luật Thành phố