Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế nhận được báo cáo của BV Bạch Mai về việc cấp cứu cho trường hợp nữ bệnh nhân bị sốc mất máu sau đình chỉ thai nghén 28 tuần tại Phòng khám số 85, đường Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo đó, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị L. 24 tuổi, ở Vĩnh Phúc nhập viện trong tình trạng nguy kịch, ý thức vật vã, kích thích, da nhợt, đầu chi lạnh, khó đo huyết áp, chảy máu âm đạo nhiều.
Đây là lần mang thai thứ 4 của chị L., chị thực hiện phá thai theo yêu cầu của gia đình.
Phòng khám sản phụ khoa tại 85 đường Giải Phóng
Sau khi được xử trí các biến chứng do phá thai, chị L. tiếp tục điều trị hồi sức tại Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai.
Do đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em đã ngay lập tức yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, xác minh trường hợp trên, kiểm tra về phạm vi chuyên môn, nội dung hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của Phòng khám số 85 đường Giải Phóng. Nếu phát hiện có sai phạm thì xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.
Kết quả kiểm tra và xử lý báo cáo kết quả về Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em trước ngày 31/12.
Đồng thời Bộ cũng yêu cầu Sở Y Hà Nội chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh các cơ sở chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em trên địa bàn, bao gồm cả cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân.
Phá thai là chủ động sử dụng các phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến hết 22 tuần tuổi.
Theo Quyết định 4128 ban hành năm 2016 của Bộ Y tế, tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi đều vi phạm pháp luật trừ một số trường hợp cần cứu tính mạng người phụ nữ khi thai nghén đe dọa tính mạng, do thai nhi bất thường, bị dị tật bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa trẻ sau này.
Khi thực hiện phá thai dưới 22 tuần, phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị … theo quy định chi tiết do Bộ Y tế ban hành.
Thúy Hạnh
Phá thai 17 lần trong 6 năm, tử cung của cô gái trẻ ‘mỏng như tờ giấy’
Một phụ nữ trẻ 27 tuổi đã được các bác sĩ nói rằng cô sẽ không bao giờ có thể có con nữa sau khi trải qua 17 lần phá thai.