Cũng như nhiều người khác, O’Donnell từng tỏ ra hoài nghi liệu người ta sẽ nghe như thế nào với một cỗ máy cồng kềnh. Nhưng rồi rất nhanh chóng, O’Donnell đã phải bác bỏ định kiến này và thừa nhận: tại các nước châu Á, châu Âu và Nam Mỹ, phablet đang có sự phát triển rất nhanh chóng. Đặc biệt từ sau sự ra đời của dòng Samsung Galaxy Note, LG G2 hay những smartphone màn hình 5inch, dù vẫn còn nhiều người cho rằng doanh số của phablet khó có thể vượt qua được các dòng tablet màn hình nhỏ - vốn đang phát triển rất nhanh trong vài năm trở lại đây.
Nhất là khi công nghệ bluetooth thừa sức để xóa bỏ sự kỳ cục khi áp một cái màn hình hơn 5inch vào tai, và người dùng chăm chăm lướt web hay thao tác với ứng dụng - đòi hỏi một màn hình lớn - còn nhiều hơn cả tính năng nghe gọi của một chiếc điện thoại bình thường.
Theo O’Donnell, đến năm 2014, doanh số của phablet sẽ vượt qua dòng máy tablet cỡ nhỏ, khi có tới 175 triệu phablet được bán ra trên toàn thế giới, trong khi số lượng các tablet cỡ nhỏ màn hình dưới 8inch sẽ chỉ bán được 165 triệu máy. Hàn Quốc - quê nhà của những tay chơi phablet mạnh mẽ nhất hiện nay là Samsung và LG - vẫn sẽ là thị trường tiêu thụ nhiều phablet nhất khi thiết bị này sẽ chiếm 2/3 tổng số smartphone được bán ra tại quốc gia này.
Ngoài ra, lượng tiêu thụ phablet cũng sẽ rất mạnh tại các quốc gia khác như Anh, Đức, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Brazil và Đông Âu. Nếu như ngay cả đại gia “bảo thủ” Apple cũng ra mắt một thiết bị với màn hình trên 5inch thì thị phần phablet sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, kể cả ở Mỹ - nơi phablet yếu thế nhất.
Xu hướng người dùng đang dần chuyển sang các thiết bị di động có màn hình lớn nhưng vẫn có thể đảm bảo được nhiều tính năng cơ bản như nghe gọi, nhắn tin, lướt web và push mail. Do đó, các tablet màn hình 7inch vẫn là chưa đủ so với nhu cầu người dùng.
Hiện nay, các thương hiệu lớn trong làng sản xuất di động đều có ít nhất một mẫu phablet chủ đạo như Samsung Galaxy Note 3, LG G2 hay mới đây, Nokia cũng tham gia vào thị trường phablet với chiếc Lumia 1520 chủ yếu nhắm vào các thị trường đang phát triển. Ngay cả Sony và HTC, theo WSJ, cũng quyết không để 3 đối thủ này toàn quyền tung hoành.
Sự chú ý của những cái tên lớn trong lĩnh vực bán lẻ điện tử - công nghệ là quả đủ để mở ra tương lai sáng lạn cho đứa con lai giữa điện thoại và tablet này.
(Theo Songmoi)