- Đóng góp ý kiến vào báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường các khu kinh tế, làng nghề, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến ô nhiễm là do các khu kinh tế, làng nghề đang phát triển một cách tự nhiên theo kiểu "trăm hoa đua nở", thiếu quy hoạch, thiếu quản lý.
Câu chuyện về mối quan hệ giữa phát triển bền vững và phát triển chạy theo tốc độ dẫn đến các hệ luỵ môi trường một lần nữa lại được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội khi các thành viên UB Thường vụ có trong tay bản báo cáo của Chính phủ và đoàn giám sát tối cao về việc bảo vệ môi trường ở các làng nghề, khu kinh tế. Nhiều ý kiến trong buổi thảo luận ở Thường vụ sáng nay (29/9) tiếp tục chỉ ra, nếu không mạnh tay với các sai phạm về môi trường thì hậu quả lâu dài sẽ khó khắc phục và rất tốn kém.
"Trăm hoa đua nở"
Như phân tích của ông Phùng Quốc Hiển, ô nhiễm ở các làng nghề và một số cụm công nghiệp là tất yếu xảy ra trong bối cảnh "trăm hoa đua nở", phát triển làng nghề, mở mang khu kinh tế, chạy theo lợi ích kinh tế.
Các làng nghề hiện đang sử dụng công nghệ sản xuất rất lạc hậu (hình ảnh một cơ sở sản xuất ở Bắc Ninh). Ảnh: Lê Nhung |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài mà không được xử lý rốt ráo, theo ông Hiển, là do quản lý nhà nước chưa tốt. Cấp tỉnh thì đùn đẩy xuống cấp huyện. Dưới huyện lại đùn đẩy cho xã. Mà càng xuống đến cấp xã, nguồn lực không có là bao. Vậy là tình trạng này vẫn cứ tồn tại. "Có thu ngân sách bao nhiêu cũng không đủ để khắc phục hậu quả do ô nhiễm gây ra", ông Hiển nói.
Kết quả giám sát của Quốc hội chỉ ra, việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường ở hầu hết các khu kinh tế hiện nay là rất chậm. Với sự phát triển của các khu kinh tế trong tương lai thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý ô nhiễm sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn.
Về làng nghề, báo cáo nhìn nhận, ô nhiễm môi trường làng nghề là một trong những thách thức lớn và rất khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Nhiều làng nghề rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tỷ lệ người mắc bệnh có xu hướng tăng cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nghiêm Vũ Khải, mỗi mô hình tổ chức làng nghề và khu kinh tế đều tiềm ẩn các tác nhân gây ô nhiễm. Chẳng hạn, sản xuất ở các làng nghề nhỏ, phân tán, công nghệ kiểu gia truyền, lạc hậu, năng suất thấp. Do đó, chi phí để bảo vệ môi trường không đáng là bao.
Còn với các khu kinh tế, do thẩm quyền giao hết cho các ban quản lý nên việc quản lý, giám sát giữa địa phương và ban quản lý còn chồng chéo, chưa rành mạch.
Không phát triển bằng mọi giá
"Hiến kế" giải quyết tình trạng trên, ông Khải cho rằng cần phân loại các làng nghề để có giải pháp phù hợp. Từ đó mới tính đến việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất sao cho phù hợp và góp phần nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, phải phân định rõ ràng trách nhiệm của chính quyền các tỉnh. Việc quản lý, giám sát phải giao xuống cơ sở mới có ý nghĩa.
Rất hiếm khu kinh tế đã xây lắp được hệ thống xử lý nước thải tập trung như một khu ở Bình Định. Ảnh: Lê Nhung |
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nêu vấn đề: “Ngoài quan hệ dọc trung ương - địa phương thì sự phối hợp chiều ngang giữa các bộ ngành, giữa bộ ngành với UBND cũng chưa tốt. Bộ Tài nguyên & Môi trường được giao làm “nhạc trưởng”, chịu trách nhiệm cao nhất, nhưng trong điều kiện này có thực hiện được không”? Bà Mai kiến nghị hai nhóm việc: những việc tức thời, cần làm ngay và nhóm giải pháp lâu dài.
Trong khi đó, ông Phùng Quốc Hiển khẳng định, sau hai mươi lăm năm đổi mới, không thể tiếp tục tư duy phát triển bằng mọi giá mà phải xác định tiêu chí phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, nếu không muốn trả giá. Việc chọn lựa và định hướng phát triển trong hiện tại rất có ý nghĩa về lâu dài.
Theo nghị trình, chuyên đề giám sát về môi trường ở các khu kinh tế, làng nghề sẽ được báo cáo tại kỳ họp tháng tới của Quốc hội. Dự kiến, các đại biểu sẽ dành 1 ngày để thảo luận, phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp.
Lê Nhung