Việt Nam là ‘điểm sáng’ của thế giới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 31/12 tại Hà Nội.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành Tài chính góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, lạm phát tháng sau thấp hơn tháng trước.

Thu tuong Pham Minh Chinh.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Việt Nam là một trong những "điểm sáng" của thế giới về an sinh xã hội. Tốc độ giảm nghèo cao. 38 năm trước, khi tiến hành đổi mới, cả nước có 67% dân số thuộc diện nghèo, chỉ hơn 30% thu nhập trung bình trở lên, năm nay chỉ còn 1,9%. Cơn bão Yagi đi qua nhiều nước, Việt Nam là một trong những nước chịu hậu quả lớn nhất nhưng cũng khắc phục hậu quả tốt nhất, được lãnh đạo các nước đánh giá cao.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, an toàn với các nhà đầu tư nước ngoài khi có tên trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Có được những kết quả nổi bật nêu trên, phải kể đến đóng góp của ngành Tài chính.

Trong năm qua, ngành Tài chính đã tham mưu, triển khai giảm, miễn thuế, phí lệ phí gần 200 nghìn tỷ đồng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn, thấp hơn nhiều so với mức Quốc hội và Chính phủ giao.

Cần nỗ lực hơn để giải quyết các ‘điểm nghẽn’

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số nội dung ngành Tài chính cần nỗ lực hơn trong thời gian tới.

Đáng chú ý, vẫn còn một bộ phận cán bộ né tránh, sợ sai, sợ khuyết điểm. Câu chuyện này 2 năm nay nói nhiều nhưng khắc phục chưa nhiều.

Thủ tướng lưu ý, chính sách tài khóa, tiền tệ phải rất nhanh và nhạy cảm. Thế nhưng việc giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp của Bộ Tài chính thời gian qua có lúc chưa kịp thời, thận trọng quá, chưa dám vượt qua chính mình. 

"Ví dụ miễn thuế giá trị gia tăng 2%, cứ làm nhát một, mỗi lần làm lại rất khó khăn. Từ khi có đại dịch Covid-19 đến giờ làm 6 lần rồi, mỗi lần làm lại rà soát đi rà soát lại, vẫn dè dặt. Năm nay phải làm cả năm. Phải rút kinh nghiệm. Làm cái gì phải chọn cái hiệu quả nhất để làm. Năm qua vẫn giảm thuế, phí, lệ phí gần 200 nghìn tỷ đồng mà vượt thu hơn 300 nghìn tỷ đồng? Các năm khác vẫn thế, 3 năm rồi đều vượt thu ngân sách. Tại sao cứ phải chập chờn?", Thủ tướng nêu vấn đề. 

Việc giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa nhiều chuyển biến. "Điểm nghẽn" lớn nhất vẫn là thể chế, nhiều thủ tục vòng vo, không cần thiết, trong đó có cả tiêu cực, tham nhũng. Các dự án kéo dài sẽ gây đội vốn, lãng phí. Phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn. Tinh thần là địa phương quyết - địa phương làm - địa phương chịu trách nhiệm. 

Hiện tượng đấu thầu ‘quân xanh quân đỏ’ rất phức tạp, giống như "ung nhọt", muốn khỏe mạnh thì phải mạnh dạn cắt bỏ. Đấu thầu minh bạch, công khai, không "quân xanh quân đỏ" thì hoan nghênh, nhưng thủ tục phải nhanh, không được "ngâm tôm" mãi.

Mặt khác, vẫn còn thất thoát, lãng phí sử dụng tài sản công. Thủ tướng giao thời hạn 25/12 phải báo cáo về các dự án gây lãng phí, nhưng đến hôm qua mới có Bộ Công an báo cáo. Cần phải mổ xẻ tìm nguyên nhân vì sao các công trình đang dở dang; phải có nguyên nhân và người chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính cần nghiên cứu sửa Nghị định quản lý tài sản công để tháo gỡ "điểm nghẽn" cho nhiều chủ trương quan trọng, chẳng hạn như hợp tác công tư để xây dựng sân bay.

Ngoài ra, Thủ tướng khuyến nghị cần tăng cường trách nhiệm của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên các doanh nghiệp nhà nước. Tài sản công, tài chính công của khu vực doanh nghiệp nhà nước trên 4 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn nhà nước phải đầu tư phát triển, nhưng thực tế chưa đầu tư được nhiều. Cần phải hỏi tại sao? 

Ba bài học kinh nghiệm 

Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó, Bộ Tài chính sẽ hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đề nghị: "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi. Chỉ bàn làm, không bàn lùi. Tư tưởng phải thông, phải thống nhất trong nội bộ, phải quyết tâm cao, làm việc nào dứt việc đó. Cấp trưởng chỉ có 1 người, nhưng các thứ trưởng sẽ giữ nguyên, chấp nhận thời kỳ quá độ. Phải lựa chọn người có tâm huyết, trách nhiệm, năng lực trong khu vực nhà nước. Trong quá trình sắp xếp, khuyến khích sự hy sinh, nhường nhịn để cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển".

Thủ tướng yêu cầu tổ chức lại các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng. Được biết, năm 2024, các cơ quan này đã giảm 679 biên chế so với 2023, gồm cả người về hưu.

Người đứng đầu Chính phủ đúc kết một số bài học kinh nghiệm.

Trước hết, phải đoàn kết, thống nhất, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, trong ấm ngoài êm, tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước.

Thứ hai, phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, nghĩ sâu làm lớn, nói đi đôi với làm, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, tạo không gian cho các nguồn lực trong xã hội tập trung phát triển đất nước. 

"Không nên quá an toàn. Hiện nhiều cán bộ không dám vượt qua chính mình. Phải vượt qua giới hạn của bản thân trong thực thi công vụ thì mới có hiệu quả cao, mới biến không thể thành có thể được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba, phải tăng cường phân cấp phân quyền, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin xỏ, thủ tục rườm rà, kiên quyết chống tham nhũng tiêu cực trong ngành tài chính.

Thủ tướng cho biết, năm 2025, nhiều địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, cả nước cố gắng tăng trưởng ít nhất 8%. Qua đó sẽ tạo tiền đề, cơ sở để thúc đẩy nhiệm kỳ tới tăng trưởng 2 con số, tạo sự vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới để trở thành quốc gia giàu mạnh, văn minh hiện đại, thịnh vượng.

Năm 2025, ngành Tài chính giảm trên 2.650 đầu mối, tương đương 31,4%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy theo kết luận của Ban Chỉ đạo TƯ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sớm đưa bộ máy mới đi vào hoạt động đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, số lượng đầu mối giảm khoảng 31,4%, không duy trì mô hình tổng cục; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ngành tài chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.