- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trào lưu xã hội hiện nay là mở điện thoại ra đọc thông tin. Nếu quản thông tin trên mạng không phải báo chí mà bằng nghị định thì 'đụng' quyền tự do.

Sau khi đưa ra lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp QH cuối năm ngoái, dự thảo luật Báo chí tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình phản biện vòng tiếp theo.

Trong phiên họp của UBTVQH sáng nay, một trong những nội dung tiếp tục có nhiều ý kiến thảo luận đó là có nên đưa trang tin điện tử, blog cá nhân, thông tin trên mạng xã hội vào điều chỉnh trong luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng xu hướng không thể đảo ngược, thậm chí ngày càng tăng hiện nay đó là người dân tra cứu thông tin trên mạng là chủ yếu.

{keywords}
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: Phải kiểm soát thông tin trên mạng

Đặt câu hỏi về việc phải đưa vào luật kiểm soát các thông tin trên mạng nói chung nhằm đáp ứng thực tiễn, ông cho rằng luật báo chí gần như vắng bóng kiểm soát trận địa này.

“Luật Báo chí nếu không kiểm soát được thông tin trên mạng trong nước thì ra này luật chỉ đạt 40%, còn 60% vẫn để trống trận địa này”, ông Phước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, thông tin trên mạng có 3 loại: báo chính thống; thông tin từ trang điện tử, bolg cá nhân có máy chủ trong nước; đặc biệt loại thông tin ngoài phạm vi quốc gia, có máy chủ ở nước ngoài. 

Nếu như việc quản lý báo chính thống đã rõ thì các thông tin mạng trong nước cũng phải được kiểm soát.

Vi phạm cắt máy chủ, đừng chờ

Ở góc độ cơ quan soạn thảo luật, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, truyền thông xã hội như blog cá nhân, trang tin điện tử có cả trong và ngoài nước chưa quản lý được. 

{keywords}
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son: Đưa trang tin điện tử vào luật vô tình thừa nhận là báo chí

Luật Báo chí chỉ quản lý báo chí, nếu đưa trang tin điện tử vào luật vô tình thừa nhật những thông tin này là báo chí.

Bộ trưởng cho biết, việc điều chỉnh các trang tin điện tử và thông tin mạng đã có 2 nghị định (nghị định 72/2013 và 174/2013). Vì vậy dự thảo luật không đưa trang tin điện tử và blog cá nhân vào.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phản biện cho rằng 2 nghị định này ra đời đã lạc hậu với Hiến pháp và thực tiễn. Những vấn đề thực tiễn đặt ra luật hóa được nên đưa vào luật chứ không chờ.

Theo ông, các thông tin bình luận trên mạng, kể cả báo chính thống có cái hay, cái dở cần chú ý, kiểm soát trong nội bộ.

“Anh nào đưa thông tin không đúng thì cắt không cho hoạt động trên mạng, kể cả blog cá nhân, ai đưa thông tin trái quan điểm của Đảng và nhà nước thì cắt nếu máy chủ hoạt động trong nước chứ đừng có chờ”, ông nhấn mạnh.

Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho biết, các trang tin điện tử hiện nay do Bộ TT&TT và sở TT&TT cấp phép. Do có nhiều trang nên quản lý khó, trong khi hoạt động trang tin điện tử không như báo chí nhưng tính chất như báo chí. Vì vậy cần nghiên cứu thêm việc này.

Quản thông tin như báo chí

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trào lưu xã hội hiện nay là mở điện thoại ra đọc thông tin. Nếu quản thông tin trên mạng không phải báo chí mà bằng nghị định thì 'đụng; quyền tự do.

{keywords}
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Không đưa thông tin mạng xã hội vào luật Báo chí thì không ổn

Ông cho rằng, nếu dự thảo luật chưa quy định cụ thể vấn đề này thì phải đưa vào quy định có tính nguyên tắc tương đối, nếu không đưa vào luật thì không ổn.

Chốt phiên họp thảo luận về dự thảo luật, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh lại việc không cho phép hoạt động báo chí tư nhân nhưng phải quản lý các loại hình thông tin như báo chí.

UBTVQH cho rằng đây là vấn đề mới, muốn ban soạn thảo nghiên cứu, nhất là những thông tin trên mạng trong phạm vi trong nước.

"Những vấn đề mới cần phải đưa vào luật điều chỉnh thì mới thông qua được, nếu không thì lùi luật này lại”, bà cho hay.

Thu Hằng