Đoàn chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã đóng chốt tại tỉnh Bạc Liêu từ ngày 27/10 đến nay. Đây là một trong những điểm nóng của Tây Nam Bộ những ngày vừa qua. TS BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 1/11 cũng dẫn đầu đoàn làm việc cùng tỉnh Bạc Liêu.

Tối 5/11, trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Tri Thức nhận định, tình hình dịch tại tỉnh Bạc Liêu căng thẳng vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, số ca F0 trong cộng đồng tăng cao, một số nơi không xác định được nguồn lây. Thứ hai là độ phủ vắc xin thấp. Nguyên nhân thứ 3 khiến tình hình thêm lo ngại là hệ thống y tế cơ sở rất khó đáp ứng được nếu dịch bùng phát.

“Đến hôm nay, việc kiểm soát tại Bạc Liêu có thể nói là tạm ổn. Số F0 ngoài cộng đồng có xu hướng chững lại và đi xuống. Nhưng chúng ta chưa thể biết được, không thể chủ quan được”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết.

{keywords}
TS BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Nhìn nhận sự chi viện liên tục những ngày qua của ngành y tế TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ, bác sĩ Thức cho rằng, quan trọng nhất là năng lực tự thân của các địa phương. Sự chi viện không phải yếu tố quyết định.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, các địa phương cần phải nhanh chóng tính toán đến oxy cho bệnh nhân Covid-19.

“Đầu tiên là oxy. Chúng ta phải lo cho tất cả bệnh viện huyện, mạng lưới trạm y tế lưu động có oxy. Nếu như để dịch xảy ra rồi thì không thể nào chạy kịp, giống như TP.HCM vừa qua vậy”, TS Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 cần có hệ thống oxy trung tâm. Thế nhưng thực tế, theo bác sĩ Thức, hiện nay rất nhiều huyện ở miền Tây chưa có oxy lỏng. “Do đó, khi đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy xuống hỗ trợ Bạc Liêu, chúng tôi ngay lập tức tư vấn khẩn trương phải xây dựng hệ thống này”.

{keywords}
Đoàn chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy khảo sát thực tế  tại Bạc Liêu

Bác sĩ Thức nhận định, dù bệnh diễn tiến rất nhanh, nhưng nếu bệnh nhân Covid-19 được thở oxy đúng thời điểm sẽ ngăn chặn hiệu quả việc chuyển nặng. Bệnh nhân có thể trở về độ nhẹ bình thường.

“Chúng ta phải trả lời cho được, khi nào bệnh nhân Covid-19 được thở oxy sớm nhất; khi nào bệnh nhân Covid-19 trở nặng được chuyển đến tầng điều trị đúng và nhanh nhất”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, đó là 2 câu hỏi mấu chốt.

Ông khẳng định, các địa phương cần phải tập trung hiệu quả vào tầng 1, tầng 2. Đương nhiên tầng 3 vẫn phải thiết lập, nhưng phải “đánh chặn từ xa”, không để bệnh nhân chuyển nặng. Nếu để bệnh nhân phải thở máy hay chạy ECMO thì tỷ lệ cứu sống rất thấp.

Đây cũng là quan điểm của ông ngay từ khi tiếp nhận phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM - Trung tâm Hồi sức Covid-19 lớn nhất phía Nam.

{keywords}
"Phải đánh chặn từ xa", không để bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng. 

Bên cạnh oxy, TS Thức cho rằng Tây Nam Bộ phải nhanh chóng phủ rộng vắc xin mũi 1, vì khi đó, tỷ lệ chuyển nặng sẽ giảm đi nhanh chóng. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy cấp tốc hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu 18.000 liều vắc xin Pfizer, 30.000 liều vắc xin AstraZeneca, Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ thêm 5.000 liều.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 ngày 5/11, một số tỉnh như Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ … hiện có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thấp nhất cả nước.

Nhận định về dự trữ nguồn máu cho công tác điều trị, bác sĩ Thức cho biết, thời điểm này, Trung tâm truyền máu khu vực Chợ Rẫy tạm thời đáp ứng đủ cho các tỉnh miền Tây. Nếu dịch bùng phát, nguồn máu cũng có thể vận chuyển được.

Tuy nhiên, vẫn cần chuẩn bị phương án trong thời gian chờ đợi máu vận chuyển về. Ví dụ, có thể huy động máu từ Cần Thơ hoặc tổ chức hiến máu tại chỗ...

{keywords}
BS Huỳnh Quang Đại (Bệnh viện Chợ Rẫy) rất giàu kinh nghiệm trong các đợt chống dịch Covid-19, có mặt tại Bạc Liêu từ 27/10. 

Chia sẻ kế hoạch trong những ngày tới, bác sĩ Thức cho biết, các bác sĩ, nhân viên y tế từ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiếp tục rải quân, cắm chốt tại các địa phương cần hỗ trợ. Trong những thời điểm cần thiết, trực tiếp lãnh đạo bệnh viện sẽ có mặt để trao đổi, chia sẻ với các địa phương về chiến lược. 

Ông lấy ví dụ, về chiến lược xét nghiệm, các địa phương cần phải thực hiện phong tỏa diện hẹp nhất, thần tốc xét nghiệm bóc tách F0 trong khu vực phong tỏa. Với chiến lược cách ly, điều trị F0 tại nhà, địa phương phải chuẩn bị tất cả những vấn đề như túi thuốc, oxy, trạm y tế lưu động…

Theo bác sĩ Thức, nếu dịch bùng lên chắc chắn phải triển khai cách ly F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà, đồng thời chuẩn bị túi an sinh cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự, vấn đề thông tin cho người dân…

“Tất cả phải có chiến lược”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.  

Đợt này, bác sĩ Nguyễn Tri Thức sẽ có mặt tại Hà Nội khoảng 1 tuần để tham gia kỳ họp Quốc hội. Sau đó, ông trở về và sẵn sàng có mặt tại các điểm nóng khi cần thiết.  

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 An Giang, số ca mắc ở tỉnh liên tục tăng trong thời gian qua. Riêng ngày 5/11 ghi nhận 490 ca nhiễm mới. Như vậy tổng số ca nhiễm tại địa phương này là trên 13.000 ca, 162 ca tử vong. 

An Giang hiện bắt đầu triển khai việc cách ly điều trị tại nhà các ca F0 không triệu chứng, đảm bảo các yêu cầu về điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Tỉnh này cũng triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi, dự kiến khoảng 200.000 trẻ.

Tại Bạc Liêu, trong 6 ngày qua, ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới, khoảng 50% là ca cộng đồng. Đến nay, số ca nhiễm toàn tỉnh là 4.963 trường hợp. Hiện tỷ lệ người trên 18 tuổi tại Bạc Liêu tiêm ít nhất 1 mũi đạt trên 77%. Đây là địa phương vùng đỏ kể từ ngày 2/11.

Trong khi đó, Sóc Trăng hiện sử dụng 309 cơ sở cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận khoảng 28.000 người khi số ca nhiễm đang tăng cao. Đến 5/11, tổng số nhiễm là 6.692 trường hợp, 53 ca tử vong. Địa phương này đang tính toán thực hiện cách ly tại nhà với F1 và các F0 có tải lượng virus thấp.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Linh Giao 

TP.HCM cử 3 đội công tác, dốc sức cùng miền Tây chống dịch Covid-19

TP.HCM cử 3 đội công tác, dốc sức cùng miền Tây chống dịch Covid-19

TP.HCM hiện đã cử những lực lượng tinh nhuệ, kinh nghiệm nhất trong chống dịch Covid-19 đến các tỉnh Tây Nam Bộ. Đồng thời, chi viện trang thiết bị y tế, vắc xin và thuốc men.