Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều kết quả tích cực, tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên đã giảm mạnh trong những năm gần đây, cả giai đoạn 2015-2020 chỉ còn 3.307 hộ di cư tự do (Miền núi phía Bắc là 1.267 hộ và Tây Nguyên là 2.040 hộ), trung bình mỗi năm có khoảng 550 hộ di cư tự do (cụ thể: năm 2015 là 965 hộ, năm 2016 là 401 hộ, năm 2017 là 318 hộ, năm 2018 là 238 hộ, năm 2019 là 104 hộ và và 9 tháng đầu năm 2020 là 14 hộ: Gia Lai: 5 hộ, 16 khẩu; Đắk Lắk: 9 hộ, 45 khẩu). Như vậy, trong giai đoạn 2015-2020, tình trạng dân di cư tự do đã giảm đến trên 10 lần so với các năm giai đoạn trước năm 2015. Nhiều huyện, xã ở các tỉnh Tây Nguyên trước đây là các điểm nóng về dân di cư tự do thì vài năm trở lại đây đã không còn dân di cư mới đến. Đa số các hộ chưa được bố trí sắp xếp ổn định tại 2 vùng này đều là các hộ dân di cư đến từ giai đoạn trước năm 2015.

Huyện Mường Nhé của tỉnh Điên Biên, năm 2011 là một điểm nóng. Hàng ngàn hộ dân từ các địa phương khác nhau ở Miền núi phía Bắc nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu, mê tín dị đoan đã kéo về đây gây nên tình trạng mất trật tự an ninh xã hội. Nhưng, giai đoạn 2015 - 2020, tình hình an ninh trật xã hội và đời sống sản xuất của người dân Mường Nhé đã ổn định và phát triển.

Song song với việc thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng dân di cư tự do, nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện việc bố trí, sắp xếp ổn định các hộ dân di cư tự do vào các điểm dân cư để người dân sớm ổn định cuộc sống đã được triển khai và đi vào cuộc sống. Giai đoạn 2015-2020, các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã bố trí, sắp xếp ổn định được 6.566 hộ (trong đó: bố trí tập trung là 2.907 hộ, xen ghép là 283 hộ, ổn định tại chỗ là 3.376 hộ), các hộ được bố trí vào điểm dân cư được giao đất ở bình quân từ 350-450 m2/hộ và đất sản xuất bình quân từ 1,0-1,2ha/hộ.

Sau khi Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội được ban hành, đến nay tình trạng dân di cư tự do đã cơ bản được giải quyết, giai đoạn 2015-2020 đã có hàng nghìn hộ dân di cư tự do với hàng chục nghìn nhân khẩu được bố trí, sắp xếp ổn định vào các điểm dân cư theo quy hoạch. Chấm dứt tình trạng di cư ồ ạt từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên và không phát sinh các điểm nóng mất trật tự an ninh xã hội như các giai đoạn trước đây.

Bên cạnh những kết quả tích cực trên đây, việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội còn một số hạn chế, khó khăn. Mặc dù các dòng dân di cư tự do ở các tỉnh Miền núi và Trung du đã giảm hẳn, nhưng số hộ dân đã di cư tự do chưa được bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư theo quy hoạch còn nhiều (khoảng hơn 20.000 hộ), chưa được cấp sổ hộ khẩu và chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Thu nhập của người dân vùng di cư tự do còn thấp, đạt chưa bằng 50% bình quân chung của cả nước, tỷ lệ nghèo còn cao. Người dân vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng bình quân diện tích đất ở, đất phục vụ sản xuất nông nghiệp thấp, đời sống văn hóa còn nghèo nàn.  Hậu quả của các hộ dân đã di cư tự do giai đoạn trước đến nay còn nhiều khó khăn, tồn tại, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết; dưới sự ảnh hưởng gia tăng của biến đổi khí hậu và nghèo đói tiềm ẩn tình trạng tái di cư tự do đi nơi khác là rất lớn.

Do đó trong giai đoạn tới Chính phủ xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do (khoảng 20.308 hộ, riêng ở Tây Nguyên là 18.396 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch. Đồng thời, hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và đào tạo chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và an sinh xã hội cho người dân tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư tự do, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững hòa nhập với tiến trình phát triển đi lên của Đất nước; chăm lo đời sống tinh thần của người dân di cư tự do, đảm bảo để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đến năm 2030 đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu trên, Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung triển khai các nhiệm vụ đã giao cụ thể tại Nghị Quyết số 12/NQ-CP, ngày 15/02/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2020 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 về ổn định dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Cùng với đó, cần trình Quốc hội cân đối đủ nguồn lực từ ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án bố trí ổn định di cư tự do đến 2025; cân đối ngân sách và chỉ đạo thực hiện việc lồng ghép các Chương trình Mục tiêu quốc gia (Chương trình xây dựng NTM; Giảm nghèo; Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và Miền núi) nhằm hạn chế rủi ro, hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo và các nguyên nhân gây ra tình trạng dân di cư tự do

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát về trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành trung ương được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện Nghị quyết và UBND các tỉnh có dân di cư tự do trong việc tập trung giải quyết cơ bản tình hình dân di cư tự do ở từng địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên.

Đức Yên, Ánh Tuyết, Đinh Bạt Tuấn