Được mệnh danh như “vựa nông sản miền bắc", Sơn La là địa phương có nhiều nông sản thuộc top đầu cả nước. Để phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030”.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, để đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh đến gần với người tiêu dùng trên cả nước, VNPT Sơn La đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng “Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La”.
Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty cổ phần chứng nhận và giám định quốc tế ISOCERT lựa chọn 15 doanh nghiệp, HTX đủ điều kiện để khảo sát, xây dựng và cấp tem truy xuất nguồn gốc.
Qua rà soát, đánh giá thực trạng truy xuất nguồn gốc của 15 đơn vị bằng phiếu thu thập thông tin, có 14 đơn vị đăng ký sản phẩm tươi, thuộc danh mục sản phẩm từ rau, củ quả tươi; 1 đơn vị đăng ký sản phẩm thực phẩm qua chế biến. Căn cứ vào đặc tính sản xuất và sản phẩm, tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với truy xuất nguồn gốc của nhóm sản phẩm, nhóm nghiên cứu lựa chọn áp dụng 2 hệ thống phần mềm truy xuất riêng biệt để truy xuất nguồn gốc cho 2 nhóm sản phẩm thuộc nông sản (OMFARM) và sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến, đóng gói (OMFOOD). Nhờ đăng ký truy xuất nguồn gốc, nhiều sản phẩm đã khẳng định và giữ vững thương hiệu, cho doanh thu ổn định.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 281 mã số vùng trồng với diện tích trên 4.600 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ và 109 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững song song với xây dựng truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu. Khi ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử, các hộ sản xuất có thể cập nhật hồ sơ về sản phẩm rõ ràng, nhanh chóng, không mất nhiều thời gian cho việc ghi chép và lưu trữ nhật ký sản xuất như cách ghi chép truyền thống. Bộ thông tin được cập nhật trên hồ sơ điện tử sẽ rất khó bị làm giả và sửa đổi. Đây là giải pháp hữu hiệu, giúp người sản xuất tạo dựng niềm tin vững chắc với người tiêu dùng.
Có thể nói, ứng dụng phần mềm quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông sản là hướng đi mới, giúp người dân quản lý các mặt hàng nông sản trên nền tảng số. Để nông sản an toàn của tỉnh tiếp tục khẳng định chất lượng trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án. Trong đó, dành nguồn vốn hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng tem truy xuất nguồn gốc; tuyên truyền để nông dân thấy được lợi ích việc gắn, sử dụng sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, ưu tiên lựa chọn hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, tạo động lực cho các đơn vị, doanh nghiệp không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, chung tay đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, truy xuất nguồn gốc còn giúp sản phẩm nông sản có được tấm “giấy thông hành” xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là những hàng hóa nông sản theo các tiêu chuẩn có uy tín như VietGap, GlobalGap, Organic.