Đến nay, toàn huyện Thăng Bình (Quảng Nam) còn 1.269 hộ nghèo (chiếm 2,27%). Năm 2024, huyện được tỉnh giao giảm thêm 41 hộ nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo không có khả năng lao động) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

Báo cáo của UBND huyện Thăng Bình cho thấy tổng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện là hơn 24,3 tỷ đồng. Theo Kế hoạch triển khai Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam), năm 2024, huyện thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo theo các dự án với 114 hộ tham gia; trong đó có 33 hộ nghèo, 63 hộ cận nghèo và 18 hộ mới thoát nghèo.

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện là hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 1,2 tỷ đồng và huy động đối ứng của người dân là 927 triệu đồng. Số còn lại là nguồn ngân sách từ tỉnh và huyện.

Trong 1.269 hộ nghèo tại huyện Thăng Bình có 1.222 hộ không có khả năng lao động (chiếm 96,2%); 327/876 hộ cận nghèo (37,3%) không có khả năng lao động.

Huyện Thăng Bình phấn đấu tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo có khả năng lao động, tự giác đăng ký thoát nghèo được hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững; các hộ đủ điều kiện, có nhu cầu được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề…

W-giam ngheo.jpg
Huyện Thăng Bình phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề.

Đối với nhóm hộ nghèo không có khả năng lao động, không thể tác động để thoát nghèo, huyện xác định các địa phương thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên và an sinh xã hội như trợ cấp xã hội hằng tháng, nhà ở, y tế và dinh dưỡng, nước sinh hoạt, thông tin...

Đối với nhóm hộ nghèo có khả năng lao động (47 hộ), có thể tác động để thoát nghèo, các địa phương thực hiện rà soát, phân loại hộ nghèo theo từng nhóm; vận động, thuyết phục hộ nghèo khắc phục khó khăn, mạnh dạn đăng ký tham gia các dự án hỗ trợ giảm nghèo để thoát nghèo.

Chăm lo nhà ở cho người nghèo, cận nghèo

Theo điều tra, đến cuối năm 2023, huyện Thăng Bình còn 165 hộ nghèo và cận nghèo thiếu hụt chỉ số về chất lượng nhà ở, 71 hộ nghèo và cận nghèo thiếu hụt chỉ số về diện tích.

Công tác chăm lo nhà ở cho gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn luôn được cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận từ huyện đến cơ sở quan tâm, linh hoạt huy động các nguồn ngân sách, hỗ trợ để người dân sớm có mái ấm an cư. Thông tin từ Ban vận động Quỹ Vì người nghèo và Ban vận động kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Thăng Bình tại cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy Quỹ Vì người nghèo huyện vận động được hơn 2,3 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ hỗ trợ xây mới 5 nhà và sửa chữa 5 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 320 triệu đồng.

Tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, đầu tháng 6, từ nguồn hỗ trợ 110 triệu đồng của Quỹ Vì người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã bàn giao 3 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo (gồm 2 nhà sửa chữa và 1 nhà xây mới). Với hộ xây mới là gia đình bà Nguyễn Thị Kiên (thôn Nghĩa Hòa) được hỗ trợ 60 triệu đồng. Hiện xã Bình Nam còn 4 hộ có nguyện vọng xây dựng và sửa chữa nhà ở, địa phương đang tiếp tục vận động nguồn lực sớm cải thiện nhà ở cho các hộ.

6 tháng cuối năm 2024, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo và Ban vận động kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Thăng Bình phấn đấu vận động hơn 2 tỷ đồng, cùng với nguồn Quỹ vì người nghèo còn lại sẽ hỗ trợ xây mới 24 nhà và sửa chữa 50 nhà đại đoàn kết.

Cuối tháng 8, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 3 nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình khó khăn tại xã Bình Trung. Mỗi ngôi nhà có diện tích 40 - 60m2, kinh phí xây dựng từ 80 - 110 triệu đồng; trong đó, Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà.

Tiếp đó, ngày 26/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện nghiệm thu và bàn giao 2 nhà đại đoàn kết cho 2 hộ nghèo ở xã Bình Đào và xã Bình Sa. Mỗi ngôi nhà có diện tích 40 - 50m2, mái lợp tôn, nền lát gạch men với kinh phí xây dựng hơn 100 triệu đồng/nhà. Trong đó, Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà; kinh phí còn lại gia đình đóng góp, xóm làng giúp đỡ ngày công.