Trước sự phức tạp nhiều chiều của nghi án Sơn Tùng đạo nhạc, chúng tôi đã tìm đến chuyên gia luật bản quyền – luật sư Phan Vũ Tuấn, luật sư của Liên đoàn Công nghiệp Ghi âm Quốc tế, Chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM, nhằm mục đích được hiểu câu chuyện này dưới góc nhìn của pháp lý, vì để đi đến kết luận Sơn Tùng có vi phạm bản quyền hay không, đó là một quyết định phải hoàn toàn dựa trên pháp lý.
Thưa ông, ông có quan điểm như thế nào về vụ việc ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng?
Tôi thấy hiện nay dư luận và một vài nhạc sĩ đang lao theo quan điểm dựa trên cảm tính, dùng những cơ sở định tính như “nghe thấy”, “cảm thấy” để kết luận rất định lượng là “giống nhau đến 70-80-90%...”. Hành vi vi phạm bản quyền là hành vi pháp lý, mà pháp luật thì không dùng cơ sở cảm tính và quan điểm cá nhân để phán xét.
Tại sao một ca khúc là một tác phẩm nghệ thuật dùng để cảm nhận mà ông lại cho rằng phải có quan điểm pháp lý?
Trước hết, với tư cách là một người nghe nhạc, tôi sẽ có hành vi chọn nghe hoặc không chọn nghe, cảm nhận thích hoặc không thích mà không có bất cứ suy luận nào áp đặt lên tác phẩm, tác giả. Còn với tư cách là luật sư, dù với bất cứ ngành nghề, sản phẩm, tác phẩm, đối tượng nào mà chúng ta muốn đi đến kết luận một hành vi có vi phạm pháp luật hay không, thì tất yếu phải căn cứ vào cơ sở pháp lý, các điều luật hướng dẫn.
Ca sĩ Sơn Tùng
Thưa ông, tại sao cùng một vụ việc của ca sĩ Sơn Tùng nhưng lại có hai quan điểm xác định khác nhau như vậy?
Rất dễ hiểu, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc (VCPMC) trước tiên là không có chức năng kết luận những vụ việc như thế này, vì vậy họ không có chuyên môn pháp lý để tự thành lập một hội đồng giám định sở hữu trí tuệ, từ đó họ chỉ thành lập với các thành viên nằm trong hội nghề nghiệp của họ, là những nhạc sĩ mà không có qui trình giám định, cách thức giám định và đối tượng giám định đúng đắn, nên chỉ dựa trên cảm tính của các nhạc sĩ mà quên đi yếu tố pháp lý.
Còn Cục Nghệ thuật biểu diễn là cơ quan quản lý nhà nước, nơi làm việc và ra quyết định dựa trên cơ sở pháp lý. Ở đây, chúng ta thấy rõ dưới góc độ pháp lý, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã căn cứ trên bản ghi nốt của 2 ca khúc để thẩm định (tức là xem xét trên tác phẩm gốc) phù hợp với qui định của luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan, đồng thời họ xem xét vụ việc trong tình huống ca khúc này chưa có tranh chấp và chính đại diện của tác giả (người có quyền tối thượng đối với tác phẩm) đã xác nhận Chắc ai đó sẽ về không vi phạm bản quyền của họ. Vì vậy, theo tôi Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ra quyết định có cơ sở pháp lý.
Về mặt pháp lý thì cách xác định nào là đúng?
Như tôi đã nói, về giá trị pháp lý thì dĩ nhiên kết luận của cơ quan quản lý nhà nước hoặc toà án là duy nhất, những kết luận khác chỉ ở mức độ tham khảo, tranh luận. Ở đây tôi không đặt ra vấn đề đúng hay sai, mà tôi chỉ băn khoăn tại sao VCPMC lại vội vàng và nhiệt tình trong việc kết luận dẫn đến truyền thông rộng rãi một sự việc pháp lý nằm ngoài chức năng của họ như vậy khi mà họ chỉ được Cục Bản quyền tác giả yêu cầu hỗ trợ về nhận định chuyên môn. Những nghi án tương tự như vậy trước đây của những ca khúc và tác giả khác nếu không có tranh chấp thường chỉ dừng ở mức tranh cãi chuyên môn.
Nếu vậy, biên bản thẩm định của VCPMC có đảm bảo tính chính xác để làm cơ sở quyết định trong vụ việc này?
Trước hết, Biên bản thẩm định của VCPMC có sự sai lầm về mặt pháp lý khi xác định sự vi phạm của tác phẩm dựa trên đối tượng là bản ghi, bằng hình thức NGHE hai bản ghi.
Thứ hai, một số ý kiến của Hội đồng thẩm định cũng không chính xác, chẳng hạn như “Theo Luật SHTT, ăn cắp trên bất kỳ phương tiện, thể hiện nào đều là ăn cắp.” Luật SHTT Việt Nam (hay bất cứ Điều ước Quốc tế nào) không hề có thuật ngữ “ăn cắp” hay quy định tương tự như thế.
Thứ ba, những cơ sở đánh giá quá mơ hồ như “Chằn chặn, vuông góc, di chuyển một ít…” là những khái niệm không một thẩm phán, cơ quan quản lý nhà nước nào có thể dựa trên đó để kết luận một hành vi pháp lý.
Thứ tư, một số ý kiến được đưa ra mà hoàn toàn không có cơ sở pháp lý rõ ràng, như dựa vào sự trùng hợp của gam chủ, tốc độ, nhịp điệu... Đây là một đánh giá dựa trên cơ sở không phù hợp với quy định pháp luật. Bởi lẽ, gam chủ, tốc độ hay nhịp điệu là những chất liệu hết sức cơ bản trong âm nhạc mà nếu có thời gian, chúng ta có thể tìm được rất nhiều bản nhạc có sự giống nhau ở những yếu tố này. Thực tế, một tác phẩm gốc có thể có nhiều bản ghi khác nhau về tốc độ, nhịp điệu, gam chủ, nên nó không phải là phần trọng yếu của tác phẩm và không được bảo hộ độc lập.
Thứ năm, xét về mặt hình thức, Biên bản thẩm định của VCPMC cũng không đảm bảo tính chính xác vì hoàn toàn không có chữ ký của từng thành viên thẩm định mà lại ký và đóng dấu của Trung tâm, hoàn toàn không có liên quan gì đến biên bản này.
Nói như vậy, chưa có kết luận của toà án hay cơ quan quản lý nhà nước mà VCPMC đã kết luận như vậy là họ đã sai?
Bản chất của việc đưa ra kết luận không đúng thẩm quyền là đã sai luật.
Cám ơn ông!
Minh Sơn thực hiện
Quá khứ rực rỡ, hiện tại ảm đạm của 'thiên thần' Xuân Mai
Điều 12 Nghị định 100/2006/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan: “Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Khoản 3 Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, “Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả là phạm vi bảo hộ quyền tác giả được xác định theo hình thức thể hiện bản gốc tác phẩm”. Khoản 3 Điều 4 Nghị định 100/2006/NĐ-CP, “Bản gốc tác phẩm là bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu tiên”. |