Phần thưởng xứng đáng
Việc Tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới Intel, ngày 10/11/2006, công bố tăng vốn đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP. HCM từ 605 triệu USD lên 1 tỉ USD được xem như là một món quà đầy ý nghĩa đón chào Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...
Mở rộng để tối ưu hiệu quả
Tập đoàn Intel quyết định mở rộng diện tích nhà máy lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn (ATM) tại Khu Công nghệ cao TP. HCM, Việt Nam từ 150 ngàn feet vuông (tương đương khoảng 45 ngàn m2) lên 500 ngàn feet vuông (khoảng trên 150 ngàn m2, trong đó diện tích mặt sàn của nhà máy sẽ là trên 46 ngàn m2) và tăng tổng vốn đầu tư từ 300 triệu USD như công bố hồi tháng 2/2006 – thời điểm Intel được trao giấy phép đầu tư vào Việt Nam - lên 1 tỉ USD. Với việc mở rộng quy mô và tăng vốn đầu tư này, nhà máy ATM mới của Intel tại Khu Công nghệ cao TP. HCM sẽ trở thành nhà máy đầu tiên và lớn nhất trong hệ thống các cơ sở lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn của tập đoàn Intel trên toàn cầu. Theo kế hoạch điều chỉnh tăng công suất, nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 3/2007, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2009 và sẽ tạo ra khoảng 4.000 việc làm khi đi vào sản xuất ổn định.
Theo ông Rick Howard, Tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam, việc Intel quyết định tăng diện tích nhà máy lắp ráp và kiểm định tại Việt Nam là kết quả từ một công trình nghiên cứu trong nội bộ Tập đoàn, với khẳng định rằng 500 ngàn feet vuông là diện tích tối ưu nhất cho các cơ sở lắp ráp và kiểm định.
Tại buổi lễ công bố mở rộng dự án xây dựng nhà máy ATM của Intel, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Bí thư Thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải cùng nhiều quan chức chính phủ, ông Brian Krzanich, Phó Chủ tịch tập đoàn kiêm Tổng giám đốc phụ trách Nhóm các cơ sở lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn của Intel nhận định, việc mở rộng diện tích nhà máy tại Việt Nam sẽ giúp tập đoàn Intel đạt được hiệu quả cao hơn để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “500 ngàn feet vuông là diện tích lý tưởng cho phép Intel bố trí trang thiết bị lắp ráp, kiểm định theo mật độ tối ưu hơn, và do vậy sẽ đạt sản lượng cao hơn. Nhà máy tại Việt Nam sẽ là kiểu mẫu cho hệ thống các cơ sở lắp ráp và kiểm định lớn hơn, hiệu quả hơn của tập đoàn Intel và sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của Intel trên thị trường”, ông Brian Krzanich cho biết.
Phục vụ toàn thế giới
Sản phẩm bộ vi xử lý (chip) của Tập đoàn Intel được sản xuất theo 2 bước riêng biệt. Thứ nhất là xử lý tấm nền wafer silicon. Đa số các nhà máy xử lý bước này được đặt tại Mỹ. Nhưng với bước lắp ráp và kiểm định sản phẩm, các nhà máy ATM của Intel lại được đặt chủ yếu tại các nước châu Á. Hiện tại, Intel có hai nhà máy ATM tại Penang và Kulim (Malaysia), một nhà máy ATM tại Cavite (Philippines), hai nhà máy tại Chengdu và Thượng hải (Trung Quốc) và một nhà máy tại San Jose (Costa Rica).
Nhà máy ATM mới này tại Việt Nam là nhà máy thứ bảy của Intel trên toàn cầu và cũng là một phần của kế hoạch mở rộng công suất trên toàn cầu của tập đoàn Intel (đến cuối năm 2006, Intel có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 6 tỉ USD trên toàn cầu – PV). Sản phẩm của nhà máy – cùng với sản phẩm từ các nhà máy ATM khác của Intel - sẽ phục vụ thị trường trên toàn thế giới, chứ không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam hay thị trường châu Á.
Dự án xây dựng nhà máy ATM của Intel tại Khu Công nghệ cao TP. HCM được coi là dự án đầu tư lớn nhất của các công ty Hoa Kỳ vào Việt Nam cho đến thời điểm này. “Với quy mô là nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn lớn nhất trong hệ thống các nhà máy toàn cầu của Intel, dự án này còn phản ánh được bước đi quan trọng và thành công trong nỗ lực to lớn của Việt Nam nhằm thu hút những dự án đầu tư công nghệ cao”, ông Michael Marine, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, bình luận.
Đích đến đầy tiềm năng
Lý do để Intel chọn lựa Việt Nam là điểm đến đầu tư, theo ông Brian Krzanich, là rất rõ ràng: Việt Nam là một đất nước có dân số trẻ và năng động, hệ thống giáo dục càng ngày càng được cải thiện, lực lượng lao động đông đảo và một chính phủ có quan điểm hiện đại. “Nhưng đây mới chỉ được coi là một bước nhỏ trong một hành trình dài của việc tham gia của Intel tại Việt Nam”, Phó Chủ tịch tập đoàn Brian Krzanich phát biểu.
Nhưng không chỉ có vậy, sự kiện Intel công bố mở rộng đầu tư lên 1 tỉ USD – gần 3 tuần sau khi tập đoàn này công bố quyết định đầu tư chiến lược vào FPT, công ty CNTT hàng đầu Việt Nam FPT – “là những dấu hiệu rõ ràng, rằng Việt Nam đang dần trở nên đích đến đầy tiềm năng của những đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ công nghệ cao, và đó là điểm báo hiệu tương lai của Việt Nam hướng đến nền sản xuất công nghệ”, Đại sứ Michael Marine nhận xét và bày tỏ: “Những cam kết của Intel trong việc xây dựng một nhà máy với tầm cỡ và quy mô như thế này tại Việt Nam cũng là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc sẽ có nhiều đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, một khi môi trường đầu tư được cải thiện tốt hơn nữa”.
Sự kiện công bố mở rộng đầu tư của tập đoàn Intel diễn ra trong một tuần lễ đầy ý nghĩa, cùng với sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và diễn ra một tuần trước Hội nghị Cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14 tổ chức tại Hà Nội. “Việt Nam gia nhập WTO và quyết định đầu tư của Intel là những phần thưởng xứng đáng cho Việt Nam trên con đường tiến đến tự do hoá thương mại, gỡ bỏ các quy định và tăng cường tính minh bạch”, vị Đại sứ Mỹ phát biểu.
Bích Văn
Box 1: “Đây là một điểm nhấn trong chiến lược phát triển của thành phố. Chúng tôi cam kết sẽ làm hết sức mình để luôn cải thiện và duy trì môi trường đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án và hoạt động đạt hiệu quả cao – trong đó có dự án này”, Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân phát biểu.
Box 2: Nhà máy lắp ráp và kiểm tra (ATM) - một phần trong chiến lược nền tảng của Intel.
Quy trình lắp ráp và kiểm tra (A/T) là một khâu quan trọng của quá trình sản xuất trước khi các sản phẩm của Intel được phân phối tới tay người tiêu dùng. Được coi là một khâu sản xuất cần đến công nghệ cao của toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm của Intel, quy trình lắp ráp và kiểm tra gồm 3 giai đoạn: đóng gói, kiểm tra và giao hàng. Là khâu cuối cùng của quá trình sản xuất trước khi các sản phẩm của Intel đến tay người tiêu dùng, quy trình lắp ráp và kiểm tra là quy trình mang tính sống còn đối với sự thành công của chiến lược nền tảng của Intel.
Nhà máy lắp ráp và kiểm tra (ATM) là nơi đóng gói các con chip do các nhà máy chế tạo các sản phẩm bán dẫn sản xuất ra (những nhà máy này được gọi là Fab). Từng con chip trên mỗi tấm wafer được tách riêng và xếp vào những bao gói bảo vệ có những liên kết giữa chip và các thiết bị khác. Các sản phẩm được đóng gói sau đó sẽ phải trải qua giai đoạn kiểm tra ứng suất (stress testing) và kiểm tra mức độ dò tĩnh điện (electrostatics discharge levels). Sau khi kiểm tra xong, các sản phẩm này được phân loại vào thùng, sau đó được kiểm tra lần cuối trước khi đóng hộp và giao hàng.