Pháp vừa nhận được sự hỗ trợ mới từ Liên Hợp Quốc cho chiến dịch quân sự của
nước này ở Mali song Paris chủ yếu vẫn một mình trong cuộc chiến đẩy lui phiến
quân Hồi giáo vốn đang tràn khắp sa mạc phía bắc quốc gia châu Phi này.
Quân Pháp bước qua một nhà chứa máy bay tại một căn cứ không quân của Mali ở thủ đô Bamako. (Ảnh: Reuters) |
Pháp nhận được sự đồng lòng từ toàn bộ 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau một cuộc họp của Hội đồng hôm 14/1, trong khi nước này tiếp tục các cuộc oanh kích ở miền bắc Mali nhằm vào lực lượng chiến binh Hồi giáo kiểm soát khu vực.
"Tất cả các đồng minh của chúng ta nhận ra rằng Pháp đang hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc", đại sứ Pháp Gérard Araud tại Liên Hợp Quốc nói với các phóng viên ở New York. Ông khẳng định mục tiêu của Pháp là "giám sát việc thực thi Nghị quyết 2085 của Liên Hợp Quốc" được thông qua tháng trước.
Tuy nhiên, Pháp và Mali chủ yếu vẫn cô độc trong cuộc chiến giành lại nửa miền bắc Mali từ tay những chiến binh Hồi giáo được trang bị vũ khí tốt.
Cuộc chiến này đã bước sang ngày thứ 5 tính đến hôm nay (15/1).
Tổng thống Pháp Hollande cho biết, sự hiện diện của quân đội Pháp sẽ tăng cường lên 759 binh sĩ từ con số 550 quân được thông báo ngày 14/1.
Binh lính Pháp và Mali trên chiến trường hiện vẫn đang chờ đợi sự triển khai
của một lực lượng 3.300 lính châu Phi đa quốc gia như được cam kết. Nigeria sẽ
dẫn đầu lực lượng này với 600 lính trên chiến trường vào trước tuần tới. Benin,
Ghana, Niger, Senegal, Burkina Faso và Togo cũng hứa góp quân song Tổng thống
Hollande nhấn mạnh rằng phải mất ít nhất một tuần trước khi họ có mặt ở Mali. Và
câu hỏi vẫn còn để ngỏ về tính sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng châu Phi
trong tương lai.
Anh và Canada cam kết sẽ cung cấp các xe chuyên chở cho quân đội Pháp và Mỹ
tuyên bố nước này sẽ chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần.
Một chiến đấu cơ của Pháp hạ cánh ở N'Djamena thuộc Chad trước khi được triển khai được triển khai tới Mali. (Ảnh: Reuters) |
Nghị quyết 2085 chấp thuận một sự can thiệp bằng vũ lực do châu Phi dẫn đầu, với các quan chức Liên Hợp Quốc đánh giá chiến dịch khó có thể tiến hành cho đến tháng 8. Tuy nhiên, lực lượng phiến quân Hồi giáo đã tiến sát hơn tới thủ đô Bamako tuần trước và sự can thiệp bất ngờ của Pháp nhằm ngăn chặn đà tiến của phiến quân đã khiến nhiều nhà ngoại giao dự đoán các kế hoạch đó sẽ bị xem xét lại.
Hôm 14/1, Liên Hợp Quốc ước tính 30.000 có thể đã phải bỏ nhà đi tha hương ở
miền trung và bắc Mali trong những ngày gần đây.
Phần lớn báo chí Pháp tán thành quyết định hành động quân sự ở Mali song cũng đã
bắt đầu bày tỏ lo ngại về sự đơn độc của nước này đến thời điểm hiện tại.
Alain Franchon, lãnh đạo Nhật báo Le Monde, cho rằng Tổng thống Pháp đã ra quyết định đúng khi phát động chiến tranh ở Mali song nói thêm rằng "Pháp không thể tiếp tục một mình" và rằng chiến dịch mang tên Serval này "chỉ nên kéo dài trong thời hạn nhất định".
Mới đây, Tổng thống Hollande đã yêu cầu quân đội và cảnh sát Pháp tăng cường an ninh tại các tòa nhà và mạng lưới giao thông công cộng bên trong nước này do lo ngại hậu quả từ chiến dịch quân sự của nước này ở châu Phi.Thanh Hảo (Theo France 24)