- Không ít người phải nhập viện tâm thần điều trị vì phải sống trong sự kèn cựa của đồng nghiệp.
Dễ bị kích động, dễ sập bẫy
Một thời gian dài làm chuyên viên tư vấn tâm lý, bà Võ Thanh Giang (Trung tâm Tư vấn tâm lý Linh Tâm) vẫn còn nhớ câu chuyện thương tâm về một trường hợp phát điên do bị đồng nghiệp chơi xấu.
Bà Giang kể: “Cô này là người có năng lực nhưng rất dễ bị kích động. Khi biết bị người đồng nghiệp kia chơi xấu đã phản ứng rất gay gắt. Nhưng người kia khôn khéo, thâm hiểm, chỉ ganh ghét ngầm, nói sau lưng chứ không thể hiện ra mặt. Khi cô này xông ra cãi nhau tay bo với cô kia thì cô kia chối biến: “Ai nói vậy, chứng minh?”. Cô này chỉ nghe loáng thoáng, truyền tai nên không chứng minh được. Cuối cùng cô ấy phát điên lên, ném cả máy tính, điên cuồng ở cơ quan”.
Hiền quá cũng bị bắt nạt. Ảnh minh họa |
Bà Giang cho biết, vì người chơi xấu kia khôn khéo nên người ta vẫn giữ được hình ảnh tốt đẹp ở cơ quan. Còn người bị chơi xấu mất bình tĩnh, khi phản ứng ra, to tiếng ở cơ quan thì mọi người chỉ nhìn thấy cô này không tốt.
“Cô ấy bị mọi người trong cơ quan cô lập vì mọi người không thấy cô kia có lỗi gì. Khi bị cô lập cô ấy càng suy sụp, dẫn đến trầm cảm”, bà Giang nói.
Không chỉ người trẻ, mà ngay cả người có thâm niêm làm việc lâu năm cũng dễ bị trầm cảm khi một thời gian dài phải sống trong sự kèn cựa của đồng nghiệp. Trường hợp của chị T. Hường (34 tuổi, phó phòng kế hoạch của một công ty bất động sản) là một điển hình.
Chị Hường bảo chị rất mệt mỏi khi bị đồng nghiệp kèn cựa, nhưng vì vị trí công việc và mức lương ở đây tốt nên chị không muốn chuyển. Đỉnh điểm là chị bị ai đó hack pass và xóa hết dữ liệu trong máy tính cá nhân. Ngay cả bản kế hoạch chị chuẩn bị trình sếp cũng bị xóa, chị bị sếp mắng và bắt nộp lại trong một thời gian ngắn. Chị quá lo lắng, ăn không ngon, mất ngủ triền miên, cứ có cảm giác ai đó muốn làm hại mình. Đi khám bác sĩ mới biết chị bắt đầu có triệu chứng của căn bệnh trầm cảm.
Bà Giang cho biết, những người bị trầm cảm do bị đồng nghiệp chơi xấu là những người kiểm soát tâm lý kém, dễ bị khiêu khích.
“Trong họ cũng có sự đố kỵ, ghen ghét, so bì với người khác. Họ cảm thấy khó chịu với tất cả mọi người, lúc nào cũng chỉ nhìn mặt xấu của người khác nên khó quý được ai. Thế nên đầu óc họ lúc nào cũng căng thẳng, dễ bị kích động, dễ buồn, dễ nổi cáu”, bà Giang phân tích.
Không nên đối đầu theo kiểu “hai con dê qua cầu”
“Những hành động trả đũa chỉ làm gia tăng thêm chiến tranh”, bà Giang khẳng định. Theo bà Giang, khi bị đồng nghiệp chơi xấu, thì không nên phản ứng với họ. Bởi điều đó càng gây ra hiềm khích, mối quan hệ giữa hai người càng rơi vào bế tắc.
“Nếu họ xấu, mình cũng xấu thì mình còn xấu hơn họ. Lúc đó mình đã mắc bẫy họ, bởi họ cũng chỉ mong có thế, tức là họ đã khiêu khích được mình, gây chiến được với mình. Việc họ chơi xấu mình thì âm thầm không ai biết, nhưng việc mình phản ứng với họ thì mọi người đều biết. Hình ảnh của mình sẽ xấu đi trong mắt mọi người, mình sẽ bất lợi”, bà Giang phân tích.
Theo bà Giang, cách giải quyết tốt nhất khi bị đồng nghiệp chơi xấu là giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa, tìm hiểu nguyên nhân sau đó mới đưa ra cách ứng xử phù hợp.
“Nên bớt cái tự ái và tự cao. Mình có thể đặt vấn đề với người gây hấn với mình một cách khiêm tốn, nhờ họ giúp đỡ trong công việc hoặc trong cách tạo dựng mối quan hệ với mọi người. Trong cuộc sống, nhất là trong môi trường công việc thì ai cũng thích được đề cao. Họ cảm thấy họ là người được cần đến, là người được tôn trọng. Khi mình tỏ ra thiện chí, nhún nhường thì người người ta sẽ nghĩ con bé này cũng biết điều. Cái tâm lý ấy thôi cũng khiến họ bớt đi sự ghen ghét, hiềm khích rồi”, bà Giang nói.
Bà Giang cho biết, cách hay nhất để đáp trả những người đang ghen ghét mình là tập trung vào chuyên môn. Làm tốt công việc của mình, nhưng vẫn còn có sự hỗ trợ cho những người khác. Bởi vì công việc là sự kết hợp giữa các dây chuyền với nhau. Nếu mình chỉ biết mình thôi thì lại tự cô lập mình, làm cho hình ảnh của mình thờ ơ, ích kỷ với mọi người.
“Môi trường công việc là môi trường tập thể nên mình phải xây dựng mối quan hệ với tất cả mọi người. Nếu mình có mối quan hệ tốt với tất cả mọi người, mình sẽ có một thành lũy tốt. Bản thân cái người ghét mình họ cũng sẽ phải đối mặt với cả một tập thể”, Bà Giang nói thêm.
Còn nữa...
Bạn có bao giờ bị ganh ghét, đố kỵ hay chơi xấu? Làm cách nào để thoát ra và đối phó với những thủ đoạn 'chơi bẩn' đó? Xin mời chia sẻ câu chuyện của bạn về doisong@vietnamnet.vn |
La Hoàn