- Trong bối cảnh tôn giáo Việt Nam hội nhập quốc tế, Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo luôn đồng hành cùng với dân tộc và kiên trì thực hiện đường hướng vì Đạo pháp, vì Dân tộc.
Sau năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, dưới
sự lãnh đạo của Đảng, hầu hết tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) đều đã vâng nghe
và phụng hành nghiêm cẩn lời giáo huấn của Đức Tôn sư, phấn khởi tin tưởng tự
hào về một tiền đồ tươi sáng của Đất nước, Đạo pháp và dân tộc; tích cực góp
phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước làm cho nước nhà “trở nên cường
thịnh”, tiến bộ, dân chủ văn minh.
Từ ý thức nhập thế, vị nhân sinh, tín đồ PGHH cư sĩ tại gia, trong cuộc sống
thường nhật đã luôn cố gắng cần kiệm, sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất,
tham gia tất cả mọi sinh hoạt đời thường, ở mọi lúc mọi nơi hầu như đều có thể
là đạo tràng của họ.
Điều này có thể giải thích rõ lý do vì sao người tín đồ PGHH đã nhiệt liệt hưởng
ứng các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thâm canh tăng vụ,
làm đê bao; tích cực làm từ thiện xã hội, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở
khu dân cư, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.
Bước vào giai đoạn đổi mới, hội
nhập quốc tế, các giá trị giáo dục tích cực của giáo lý PGHH ngày càng được phát
huy.
Giáo hội PGHH mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức giáo
lý và kỹ năng thực hành đạo sự do Ban Trị sự Trung ương tổ chức, hầu hết các vị
Trị sự viên, Giáo lý viên, chức việc, nhân viên từ Trung ương đến cơ sở đều nắm
vững vàng giáo lý, giáo luật, thực hiện đúng phương hướng hành đạo và phù hợp
với pháp luật hiện hành. Kiến thức và tầm nhìn về một thế giới đa cực được mở
rộng, từ đó trách nhiệm của các vị ngày càng được nâng cao hơn đối với việc đền
ơn đất nước, một trong tứ đại trọng ân, nhất là trong giai đoạn đổi mới, hội
nhập quốc tế hiện nay.
Luôn nêu cao tinh thần đoàn kết
lương giáo, đạo đời; ý thức cảnh giác đối với kẻ xấu; tích cực vận động đồng đạo
ngày càng làm tốt hơn nghĩa vụ công dân và bổn phận tín đồ, ghi nhớ lời dạy của
Đức Tôn sư: “Hãy tùy tài tùy sức nỗ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ
tài lực đảm đương việc lớn… ta phải ráng tránh đừng làm việc sơ xuất đến đỗi làm
cho nước nhà đau khổ và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất
nước. Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy” (Quyển 6-1945).
Đạo sự từ thiện xã hội của Giáo hội PGHH chính là nét đặc trưng của giáo pháp
“Học Phật-Tu Nhân”, tại gia cư sĩ; là sự thể hiện lòng nhân ái, tình yêu thương
con người trong đạo đức truyền thống của dân tộc.
Các hoạt động có hiệu quả mà cả xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao là: cất hàng ngàn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; xây cầu treo, cầu bê tông nông thôn; tu bồi rải cát lộ nông thôn; lập trại hòm miễn phí; tặng quà đồng bào nghèo vui xuân; cứu trợ lũ lụt thiên tai; hỗ trợ bệnh nhân mổ mắt; xe đưa rước bệnh nhân nghèo cấp cứu; tham gia hiến máu nhân đạo; lập tổ phục vụ cơm cháo nước miễn phí tại các bệnh viện và trường học; sưu tầm thuốc Nam, chế biến thảo dược; mua đất lập nghĩa địa; tặng sách vở, học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo hiếu học; vận động xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư; tham gia quỹ vì người nghèo, vòng tay nhân ái; nắm gạo tình thương; tặng quà các hộ chính sách; động viên thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự; ủng hộ quỹ chất độc da cam, bệnh nhân AIDS… trị giá hàng trăm tỷ đồng, góp phần vào công cuộc an sinh xã hội từng bước tiến vững chắc vào nền kinh tế của khu vực và thế giới.
Tổng kết 4 chương trình đạo sự
trọng tâm qua 3 nhiệm kỳ kể từ năm 1999 đến nay đã nói lên tấm lòng
và nội năng trì hành hạnh tu phước của người tín đồ PGHH. Sự phát triển vượt
trội năm sau cao hơn năm trước cho thấy công dụng không thể thiếu của đạo lý tôn
giáo đối với cộng đồng xã hội. Toàn nhiệm kỳ I, hoạt động từ thiện xã hội đem
lại hữu ích cho nhân sinh là 22.34 tỉ đồng, đến cuối nhiệm kỳ III đã đạt được
734.44 tỉ đồng (tăng gấp 32,8 lần).
Hoạt động phổ truyền giáo lý đã có tác động tích cực trong thực tiễn, nâng dần
trí đạo và tâm đạo, làm cho tâm trí dung thông, giúp mỗi tín đồ hiểu đúng, hành
đúng giáo pháp “Học Phật-Tu Nhân”, tự mình “phát hiện những đức tánh cao cả và
thực hành trên thiệt tế” góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa-hiện
đại hóa đất nước, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường sức đề kháng trước
những tác động của môi trường.
Trong nhiệm kỳ I tổ chức thuyết giảng ở chùa và ngoài cơ sở thờ tự là 145 lần
với 160.000 người dự, đến cuối nhiệm kỳ III thuyết giảng ở chùa và ngoài cơ sở
thờ tự là 5.815 lần với 826,780 người dự (tăng gấp 40 lần). Nhiệm kỳ I mở được
30 lớp Bồi dưỡng giáo lý căn bản cho 6.377 học viên tham dự, đến cuối nhiệm kỳ
III mở được 169 lớp với 20.770 người dự (tăng gấp 5,6 lần so với cùng kỳ).
Thông qua hệ thống hoạt động của các Ban Kiểm soát từ Trung ương đến sơ sở, Ban
Trị sự Trưng ương lấy việc thực hiện các chương trình hoạt động của các phòng,
ban và BTS các cấp theo Hiến chương Giáo hội làm trọng tâm; lấy việc tích cực
đấu tranh, hạn chế đẩy lùi các biểu hiện sai lệch tôn chỉ hoặc lợi dụng danh
nghĩa đạo vi phạm Hiến chương, đường hướng hành đạo “vì Đạo pháp-vì Dân tộc” làm
mục tiêu hàng đầu.
Kịp thời phát hiện và xử lý theo
đúng tôn chỉ, giáo lý, Hiến chương và luật pháp các biểu hiện gây mất đoàn kết
trong nội bộ đạo và ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc. Phát hiện, phát huy
những gương sống “tốt đời, đẹp đạo” để tín đồ học tập làm theo; đồng thời tổ
chức tuyên dương công đức và tìm kiếm, tiến cử nhân tài phục vụ cho Đạo lẫn Đời.
Quan hệ hữu nghị, hợp tác, trong sáng, đoàn kết với các tôn giáo bạn trong thời
kỳ hội nhập quốc tế vì lợi ích cộng đồng, trên cơ sở phù hợp chính sách pháp
luật. Trải qua 3 nhiệm kỳ, tổ chức Giáo
hội PGHH ngày được củng cố, kiện toàn tổ chức, phát huy nội lực, xiển dương
chánh pháp theo đường hướng “vì Đạo pháp, vì Dân tộc”.
Giáo pháp “Học Phật-Tu Nhân” của PGHH bắt nguồn từ văn hóa, đạo đức truyền thống
của dân tộc đã và đang đi vào lòng tín đồ trong cuộc sống. Tôn chỉ hành đạo quy
nguyên Phật pháp, canh tân giáo điều đang duyên hợp trong từng hoàn cảnh khác
nhau đối với người dân lao động (PGHH) thời đổi mới và sự phát triển của cơ chế
thị trường. Tính nhân dân trong giáo lý PGHH ngày càng thể hiện rõ nét, góp phần
không nhỏ vào quá trình tu nhân, tích đức, hành thiện giúp đời vô vị lợi của
người tín đồ PGHH hiện nay.
Có thể nói, toàn bộ nhận thức, tư tưởng đến thái độ, hành vi tu rèn ứng xử hiện
nay của người tín đồ PGHH trong thực tiễn (ngày càng làm tốt hơn nghĩa vụ công
dân và bổn phận tín đồ) chủ yếu đều xuất phát từ ý chỉ của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
“Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời” (Thức tỉnh một tín đồ) bằng mọi biện pháp,
chính là một hạnh tu: hạnh tu phước mà mỗi tín đồ luôn trì hành trong cuộc sống,
góp phần an sinh xã hội trên bước đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Trên cơ sở lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tín đồ PGHH đã không ngừng phát huy
để gây dựng thêm những con người đầy lòng nhân ái với tinh thần trách nhiệm cao,
hoàn toàn phù hợp với công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng thành công Chủ nghĩa
xã hội trên đất nước ta.
Trong bối cảnh tôn giáo Việt Nam hội nhập quốc tế, Giáo hội PGHH luôn đồng hành
cùng với dân tộc và kiên trì thực hiện đường hướng vì Đạo pháp, vì Dân tộc.
Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng: bằng tất cả sự phấn đấu “nỗ lực hy sinh cho
xứ sở” theo lời dạy của Đức Giáo Chủ, chắc chắn tôn giáo Hòa Hảo sẽ thực sự xứng
đáng là một tổ chức tôn giáo nội sinh, một lực lượng xã hội văn hóa tâm linh,
góp phần lành mạnh hóa nhân tâm, sự tiến bộ xã hội và tất yếu phục vụ lợi ích
của dân tộc, của đất nước.
Th.S: Nguyễn Huy Diễm
Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương GH PGHH