Các nhà khảo cổ đã phát hiện gần 100 điểm thờ cúng thời tiền sử, chứa đựng vô số bức tượng chạm khắc hình cơ quan sinh dục nam và nữ ở dãy núi Eilat trong sa mạc Negev của Israel.


{keywords}
Một số mẫu tượng đá hình cơ quan sinh dục nam và nữ được phát hiện tại các điểm thờ cúng thời cổ đại ở Israel. Ảnh: Daily Mail

Các di tích trên được xác định có niên đại khoảng 8.000 năm. Các chuyên gia khảo cô vô cùng kinh ngạc khi tìm thấy vô số cấu trúc và đồ tạo tác bằng đá ở những nơi này.

Trong số những cổ vật khai quật được đáng chú ý có các vòng tròn lớn bằng đá, với đường kính từ 1,5 - 2 mét nằm gần các bức tượng hình dương vật chỉ về hướng của chúng. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện các bức tượng đá thẳng đứng cao tới 0,8m, bát đá và tượng đá chạm khắc hình người.

Nhóm nghiên cứu do chuyên gia Uzi Avner đến từ Trung tâm Khoa học Arava - Biển chết đứng đầu, cho biết, mặc dù nghiên cứu toàn diện về phong cách của các cổ vật bằng đá vẫn đang diễn ra, nhưng kết quả kiểm tra ban đầu chỉ ra 2 khía cạnh biểu tượng: Một là về khả năng sinh sản, biểu trưng bằng các phiến đá có lỗ thủng kéo dài giống hình âm hộ (cửa ngoài của cơ quan sinh dục nữ) kết hợp với tượng hình dương vật.

Hai là về cái chết, biểu trưng bằng việc chôn cất các vật thể bằng đá cũng như việc đặt chúng trong tư thế lộn ngược. Ví dụ như, một bức tượng chạm khắc hình người được tìm thấy bị chôn vùi, chỉ nhô đỉnh đầu lên khỏi mặt đất.

Các di tích cổ trên thường nằm túm tụm gần nhau. Và tại một khu vực chỉ vẻn vẹn 0,8km2, nhóm khảo cổ đã phát hiện tới 44 điểm thờ cúng khác nhau.

"Xét địa thế, các điều kiện môi trường và số lượng ít ỏi các điểm cư trú thời kỳ đồ đá mới đã biết ở khu vực miền nam Negev, sự tồn tại dày đặc của các điểm thờ cúng trong vùng này thực sự kỳ lạ", nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí Journal of the Israel Prehistoric Society.

Các chuyên gia khảo cổ đang nỗ lực giải mã bất kỳ ý nghĩa nào của các đồ tạo tác và cấu trúc đá mới khai quật được. Tuy nhiên, họ nhận định, hai khía cạnh biểu tượng về khả năng sinh sản và cái chết đường như xuất hiện như nhau ở mọi di chỉ trong vùng.

Việc các điểm thờ cúng đều có góc nhìn rộng, ám chỉ phong cảnh có thể là một yếu tố được người tiền sử xem xét để lựa chọn nơi xây dựng chúng. Theo nhóm nghiên cứu, thực tế rằng những địa điểm thờ cúng này vẫn còn rõ thấy ngày nay chứng tỏ, chúng từng được nhiều người sử dụng thường xuyên, cho các sự kiện ngắn ngủi trong những khoảng thời gian trọng yếu.

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ tìm ra thêm nhiều địa điểm thờ cúng tương tự nữa ở các dãy núi trong vùng sa mạc Negev, miền nam Jordan và Sinai.

Tuấn Anh (Live Science, Daily Mail)