Khi thi công tại công trường phía chân cầu Thăng Long (Hà Nội), các công nhân đã tình cờ phát hiện hai ngôi mộ cùng một chiếc giếng cổ.

TIN BÀI KHÁC

Hai ngôi mộ được tình cờ phát hiện vào ngày 1/4 bởi công nhân Xí nghiệp Xây dựng số 1 (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị), khi đang thi công tại khu vực Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra.


 2 ngôi mộ cổ thuộc thời Lục Triều có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6 (Ảnh: Công an nhân dân)

Ngay sau đó, cuộc khai quật được Hội Khảo cổ học và các cán bộ thuộc Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học Lịch sử, Viện Khảo cổ học tiến hành. Đến chiều ngày 14/4, nhóm khảo cổ học cũng đã phát hiện thêm một chiếc giếng cổ.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường thuộc Viện khảo cổ học cho biết: "Hai ngôi mộ thuộc thời Lục Triều có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6, mộ lớn có sớm hơn ngôi mộ bé một chút. Hai ngôi mộ được xây theo phong cách Hán, niên đại vào thời Bắc thuộc, nhưng chủ nhân của chúng không loại trừ có thể là người Việt".

Thành mộ được làm bằng đất nung xếp chồng lên nhau, không hề có chất kết dính, nhưng vẫn bền đến ngày nay. Trên bề mặt gạch có những hoa văn hình tiền, hình trám lồng rất tinh tế.

Sau hơn 10 ngày khai quật, Viện khảo cổ thu được 28 hiện vật ở mộ lớn và 5 hiện vật ở mộ nhỏ. Các hiện vật chủ yếu là đồ gốm; 9 chiếc đinh sắt đã bị gỉ; một số hạt thóc, gạo cháy... Cả 2 ngôi mộ đều không hề có dấu vết của gỗ quan tài và xương cốt người do có thể đã bị tiêu hết.

Đối với chiếc giếng cổ, hiện Bảo tàng Hà Nội đã có kế hoạch di dời về khuôn viên Bảo tàng - TS Cường nói.

Ngày mai, 20/4 việc khai quật khu vực này sẽ tạm dừng để đơn vị thi công tiến hành san phẳng và đặt ống cống.

Mẫn Chi