Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một phần đuôi của loài khủng long có tuổi đời 99 triệu năm (bao gồm xương, mô, lông vũ và nhiều thứ khác nữa) được bảo quản rất tốt bên trong một viên đá hổ phách. Nó đang trong quá trình được chế tác thành trang sức thì các nhà khoa học phát hiện ra một kho báu lớn hơn cả: Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta tìm được những sợi lông đuôi của khủng long được bảo toàn nguyên vẹn trong hổ phách. Những nhà nghiên cứu tin rằng đây là đuôi của coelurosaur – một loài khủng long đuôi rỗng.

Giáo sư Mike Benton, đồng tác giả của nghiên cứu, đã chia sẻ với tờ BCC: "Được tận mắt chứng kiến mọi chi tiết của đuôi khủng long – từ phần xương, phần da thịt, lông vũ, quả là điều kỳ diệu. Tuy nhiên cũng phải cảm thấy thương cảm với "anh chàng" nhỏ bé này: Tưởng tượng mà xem, bỗng nhiên nó bị mắc kẹt đuôi vào phần nhựa cây này, rồi có thể sau đó nó đã không sống sót được vì không di chuyển nổi."

Mẫu vật này gồm 8 đốt xương sống từ phần giữa đến cuối của chiếc đuôi dài và mỏng. Khác với các loài chim tiền sử lẫn hiện đại – những sinh vật có hệ thống xương lưỡi cày, con khủng long này lại có xương đốt sống. Lông của nó được cho là chỉ có tác dụng giữ ấm chứ không phải để bay. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, thì nếu toàn bộ cái đuôi của loài khủng long này được phủ loại lông này thì nó sẽ "nhiều khả năng không bay được."

Viên đá hổ phách được phát hiện tại một vùng mỏ ở thung lũng Hukawng, phía Bắc của Myanmar – vùng nổi tiếng với việc có rất nhiều hóa thạch của động thực vật từ thời kỳ Creta. Những mảnh hổ phách lớn thường được chia nhỏ ra và biến thành trang sức sau quá trình được khai quật, dẫu vậy các nhà khoa học vẫn hy vọng sẽ tìm được nhiều mẫu vật hơn nữa, từ đó cho phép họ có thể khám phá được cách phân phối lông trên toàn bộ cơ thể các loài khủng long bị tuyệt chủng, hoặc phân tích được các mẫu mô mềm của chúng.

Theo GenK