Các nhà thiên văn Anh vừa phát hiện ra một hành tinh sau này có thể trở thành vô cùng quý giá đối với loài người, bởi toàn bộ bề mặt của nó đều phủ kim cương. Từ lâu người ta đã hình dung có một thiên thể như vậy, nhưng nay đã chứng minh sự tồn tại thực tế của nó.

Hành tinh mới phát hiện có thể sẽ trở nên vô cùng quý giá đối với loài người. Ảnh minh họa.
 
Nhờ kính thiên văn vũ trụ “Spitzer” của NASA, một nhóm các nhà thiên văn Anh đã phát hiện ra những tia bức xạ nóng phát ra từ một hành tinh nằm cách xa chúng ta 1.200 năm ánh sáng. Phân tích tia bức xạ đó, họ xác định được thành phần khí quyển của thiên thể này.

Hàm lượng hơi nước trong khí quyển của nó thấp hơn nhiều so với các hành tinh cùng loại nhưng hàm lượng metan lại cao gấp hàng trăm lần. Như vậy tỷ lệ các nguyên tố của cacbon và hydrro lớn hơn 1 đơn vị (đáng ra chỉ là 0,5), nghĩa là không phù hợp với những lý thuyết hiện nay.

Từ đó có thể kết luận: hành tinh lạ này (được gọi là WASP 12b) là hành tinh đầu tiên có cacbon nhiều hơn oxi. Nó sẽ là một khối khí khổng lồ, giống như Mộc tinh (Jupiter), nhưng theo tính toán lại nặng hơn Mộc tinh 1,4 lần. Hành tinh này quay quanh Sao lùn vàng, khá giống Mặt trời, với 1 chu kỳ là 26 giờ

Phần lớn vật chất của WASP 12b là hydro khí, nhưng nhân của nó lại là hỗn hợp của kim cương, graphit và các dạng kết cấu khác của cacbon, có thể ở dạng lỏng. Không có các silicat quen thuộc phổ biến trên Trái đất của chúng ta và khác với Mộc tinh không bao quanh bởi khối khí loãng gọi là tầng bình lưu (stratosphere). .

Phát hiện này cho phép giả định rằng Thiên hà có thể bao gồm những hành tinh có kích thước bằng Trái đất song rất giàu cacbon. Thành phần nguyên tố của các hành tinh đó khác hẳn Trái đất, mà theo nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực này, TS Nikky Madkhusudkan thì “về lý thuyết, cơ bản là kim cương và graphit - những núi kim cương lớn hơn Trái đất nhiều lần”.

Hành tinh WASP 12b có rất ít nước, thay vào đó là đại dương chứa những chất lỏng giàu cácbon như hắc ín (tất nhiên nhiệt độ phải đủ cao) và nếu trên hành tinh có sự sống (rất có thể vì có cacbon) thì  sinh vật trên đó đã trải qua những giai đoạn tiến hoá trong khí quyển metan và thiếu oxi.   

Giả thuyết hợp lý nhất là sinh vật ấy giống với vi khuẩn hiếu khí metan thường sống trong bùn lấy hay đáy biển, nơi gần mỏ khí thiên nhiên, của Trái đất. Kỵ oxi, chúng không thể kết tụ lại thành quần thể, biến thành khuẩn đa bào dùng oxi để thở. Vì thế, nếu một ngày nào đó, con người đặt chân tới đây để tìm kiếm kim cương thì sẽ chẳng phải đối  đầu với kẻ thù nguy hiểm nào.

Tiến sĩ Madkhusukan tin rằng có rất nhiều hành tinh kim cương trong vũ trụ. Song câu hỏi quan trọng phải giải đáp là những hành tinh như vật được tạo ra như thế nào. Chúng sẽ khắc hẳn sự hình thành của những hành tinh của hệ Mặt trời.

Song dù sao thì giới thiên văn học cũng đánh giá cao phát hiện độc đáo của ông và cho rằng đây cũng là một dấu mốc đáng kể trong quá trình khám phá vũ trụ.

Tuấn Hà (Theo Pravda)