Theo Independent, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vật thể mới là lõi của một hành tinh khí (bao quanh là khí và chúng ta có thể nhìn thấy lõi bên trong).
Đây là lần đầu tiên họ có thể nhìn vào bên trong hành tinh, điều có thể mang đến những phát hiện mới về cách các hành tinh được hình thành.
Hành tinh này được đặt tên là TOI 849 b, xoay quanh ngôi sao tương tự Mặt Trời với chu kỳ rất ngắn, chỉ 18 giờ và cách chúng ta 730 năm ánh sáng. Vì gần ngôi sao chủ nên điều kiện ở đó rất khắc nghiệt, nhiệt độ bề mặt lên đến 1.500 độ C.
Đây có thể là lõi của hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc và sao Thổ. Lõi này lớn gần bằng sao Hải Vương, có thể đã mất đi hoặc chưa kịp hình thành.
Sau nhiều tính toán kỹ lưỡng, giới nghiên cứu kết luận đây là lõi của hành tinh ngoại có trọng lượng nặng gấp 40 lần Trái Đất, tuy nhiên kích thước chỉ lớn hơn địa cầu 3,4 lần. Từ mật độ vật chất có thể thấy được nó hình thành chủ yếu từ sắt, đá và nước, chỉ có một phần nhỏ khí hydro và heli.
“Chúng ta không thấy được các khí đó, có nghĩa TOI 849 b là một lõi hành tinh trần”, David Armstrong, nhà khoa học đứng đầu nhóm nghiên cứu cho hay.
TOI 849 b lần đầu tiên được tìm thấy qua Vệ tinh Khảo sát hành tinh ngoại của NASA. Ảnh: BBC. |
Vật thể này nằm ngay Sa mạc sao Hải Vương, khu vực gần một ngôi sao trong đó ngoại hành tinh không có kích cỡ tương đương sao Hải Vương được tìm thấy.
“Hành tinh này nằm gần ngôi sao chủ một cách lạ lùng, dù có kích cỡ lớn. Nói cách khác, chúng tôi thường không thấy hành tinh nào có chu kỳ quay quanh sao chủ quá ngắn, lại có khối lượng như thế”, David Armstrong cho biết thêm.
TOI 849 b lần đầu tiên được tìm thấy qua Vệ tinh Khảo sát hành tinh ngoại của NASA. Đây là vệ tinh chuyên săn lùng hành tinh bằng nhận biết qua đặc trưng độ sáng giảm xuống khi chúng di chuyển qua ngôi sao chủ.
Sau khi được tìm thấy, vật thể được phân tích bằng máy quang phổ HARPS của Đài thiên văn Nam châu Âu, ứng dụng hiệu ứng Doppler để đo các ngoại hành tinh bằng cách tìm hiểu sự thay đổi ánh sáng của chúng khi di chuyển đến gần Trái Đất.
“Đây là lần đầu tiên, chúng ta biết rằng các hành tinh như thế này có tồn tại và có thể được tìm thấy. Chúng ta có cơ hội nhìn vào lõi của một hành tinh theo cách con người không thể làm trong Hệ Mặt Trời của chính mình”, nhà nghiên cứu David Armstrong nhận định.
Vẫn còn nhiều câu hỏi về bản chất của lõi các hành tinh khổng lồ như sao Thổ và sao Mộc. Phát hiện này có thể đem lại những hướng đi mới cho nghiên cứu hình thành các hành tinh khí khổng lồ.
Theo Zing
Người ngoài hành tinh đang ở cách Trái Đất 17.000 năm ánh sáng?
Nghiên cứu mới được ĐH Nottingham ở Anh thực hiện cho thấy Trái Đất không phải hành tinh duy nhất có sự sống. Ước tính, có khoảng 36 nền văn khác đang tồn tại trong Dải Ngân hà với khoảng cách gần nhất với Trái Đất là 17.000 năm ánh sáng.