Hộp sọ cổ đại giúp viết lại lịch sử con người
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hộp sọ của 2 cá thể thuộc loài người tiền sử Homo erectus - một trong những tổ tiên xa xưa của chúng ta, cùng với một số công cụ bằng đá ở Ethiopia, theo báo Anh Express.
Một trong 2 hộp sọ - được đặt tên là BSN12 - được các nhà khoa học ước tính khoảng 1,26 triệu năm tuổi. Hộp sọ thứ 2 được gọi là AN5 khoảng từ 1,5 đến 1,6 triệu năm tuổi. Cùng với các hộp sọ, các nhà khoa học cũng phát hiện các công cụ đá Mode I đơn giản và Mode II phức tạp hơn tại địa điểm khai quật ở miền Bắc Ethiopia.
Các nhà khoa học đã phấn khích vì sự phức tạp của các công cụ bằng đá của người Homo erectus và những công cụ này đã làm sáng tỏ việc sử dụng công cụ của con người ở thuở sơ khai.
Trong các lĩnh vực cổ sinh vật học và khảo cổ học, các công cụ bằng đá được phân loại theo mức độ phức tạp và khoảng thời gian mà chúng được sử dụng.
Các công cụ của Mode I - còn được gọi là các công cụ Oldowan - xuất hiện từ hơn 2,5 triệu năm trước và có bản chất nguyên thủy, thường bao gồm các viên đá có một số mảnh bị đập vỡ ra. các công cụ Mode II hay còn gọi là Acheulean, xuất hiện sau đó, khoảng 1,7 triệu năm trước.
Acheulean phức tạp hơn so với Oldowan chẳng hạn như rìu tay thời tiền sử. Các nhà nghiên cứu trước đây vốn cho rằng, người Homo erectus đã phát minh ra các công cụ Mode II, mặc dù điều này vẫn gây tranh cãi cho các chuyên gia.
Theo quan điểm truyền thống, ở mỗi bước tiến hóa, người tiền sử như Homo erectus chỉ sử dụng các công cụ hoặc thuộc Mode I hoặc thuộc Mode II.
Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu mới nhất cho biết, khám phá mới của họ ủng hộ giả thiết rằng người Homo erectus ở Châu Phi đã phát minh ra các công cụ Mode II.
Nếu điều này là đúng, các công cụ Mode I hoặc Mode II có thể đã được người Homo erectus sử dụng trong hàng trăm nghìn năm.
Theo danviet.vn