- “Có rất nhiều bạn làm những công việc mà em chưa bao giờ thấy ai cùng tuổi mình làm, ví dụ như đầu tư chứng khoán, hùn vốn với bạn bè mở cửa hàng hoặc kiếm tiền từ những phát minh rất độc đáo…”, Hải Anh chia sẻ.

Nguyễn Hải Anh (18 tuổi), hiện đang theo học chương trình IB (Tú tài quốc tế) tại phân viện New York của EF International Academy, Mỹ. Trong dịp về Việt Nam nhận giải thưởng của Hội đồng Anh cho các thí sinh xuất sắc đạt điểm IELTS 8.0, Hải Anh đã chia sẻ với VietNamNet về trải nghiệm cuộc sống bên Mỹ.

Kiếm tiền từ tuổi thiếu niên

Sau 1 năm sống và tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa bên Mỹ, Hải Anh khẳng định rằng các bạn thiếu niên ở Mỹ xác định tuổi 18 sẽ dọn ra ngoài sống là “thật chứ không phải mỗi trong phim”. Vì tư duy như vậy nên các bạn Mỹ rất năng động trong việc làm thêm hoặc kinh doanh nói chung.

Hải Anh kể: “Có rất nhiều bạn làm những công việc mà em chưa bao giờ thấy ai cùng tuổi mình làm, ví dụ như đầu tư chứng khoán, hùn vốn với bạn bè mở cửa hàng hoặc kiếm tiền từ những phát minh rất độc đáo,… Trong môi trường vây quanh bởi những con người như vậy, em tự cảm thấy áp lực phải cố gắng vươn lên, đơn giản vì nếu không, quay qua quay lại mình bị bỏ xa từ lúc nào không biết”.

{keywords}

Hải Anh có sở thích đặc biệt với bóng rổ. Sang Mỹ, cậu vẫn được vào đội, được thi đấu.

Sở dĩ các bạn Mỹ có tư duy độc lập như vậy là vì các bạn được dạy, được tạo môi trường để sống tự lập, tự sáng tạo ngay từ nhỏ.

Chia sẻ về sự khác biệt giữa nền giáo dục Mỹ và Việt Nam, Hải Anh nói: “Khác biệt lớn nhất giữa 1 lớp học của Việt Nam và 1 lớp học của Mỹ có lẽ là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Đối với Việt Nam, hầu hết các tiết học đều như sau: giáo viên đọc, học sinh chép, về học thuộc lòng, hôm sau kiểm tra. Mọi lời giáo viên nói ra đều là “chân lý” và không thể có bất cứ tranh luận gì thêm. Còn ở Mỹ, học sinh luôn được quyền nêu ra ý kiến riêng của mình, giáo viên không có quyền được phủ nhận và khi đó cả lớp sẽ cùng tranh luận về vấn đề này. Bản thân em khi vào bài kiểm tra đã rất nhiều lần phân tích và trả lời theo cách nhìn cá nhân và vẫn được điểm tối đa.

Khuyến khích tính sáng tạo của học sinh có lẽ là điểm em thích nhất về nền giáo dục Mỹ, đơn giản vì luôn luôn có nhiều hơn 1 cách để nhìn nhận vấn đề và đó là điều mà học sinh cần phải làm quen. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại: lớp học của Việt Nam thường luôn có trên dưới 40 học sinh nên việc thảo luận sẽ gây hỗn loạn và rất khó kiểm soát, nên không thể vì lý do đó mà nói nền giáo dục của Việt Nam là yếu kém được”.

{keywords}

Hải Anh mong các bậc cha mẹ Việt sẽ dành thời gian nói chuyện với con cái để hiểu con cái nhiều hơn.

Ít bị phán xét

Chuyện cha mẹ Mỹ lắng nghe, tôn trọng con từ tuổi lên ba đã không còn xa lạ. Cha mẹ Mỹ không bỏ lỏng các yêu cầu đạo đức căn bản đối với con, nhưng vẫn dành thời gian đối thoại với con như những người bạn. Họ vẫn chiều con nhưng có giới hạn. Họ dùng lý trí để bàn bạc với con cái, tìm cái hay thay cái dở hay phi lý. Và điều quan trọng là họ ít khi phán xét các hành động của con trẻ theo kiểu “kết án”. Điều này khuyến khích các bạn trẻ Mỹ bày tỏ quan điểm, cá tính của riêng mình.

Từ góc độ một người trẻ, Hải Anh bày tỏ mong muốn cha mẹ Việt thay đổi cách dạy con, lắng nghe và tôn trọng con như người Mỹ. “Nhìn chung các bậc phụ huynh không nên đặt quá nhiều áp lực học tập lên vai con cái, đặc biệt là câu chuyện “con nhà người ta” muôn thưở. Thêm 1 điều nhỏ, là cha mẹ nên dành chút ít thời gian, nói chuyện với con và không đánh giá những câu chuyện hay mong muốn của con. Những vụ lên Facebook chửi bố mẹ, có lẽ chủ yếu cũng là vì đôi bên không thông cảm được cho nhau mà thôi”, Hải Anh chia sẻ.

Về chuyện cha mẹ Mỹ để con tự lập, tuổi 18 đã đồng ý cho ra ngoài sống riêng, còn cha mẹ Việt luôn bao bọc con, vẫn đưa đón con 17,18 tuổi đi học, Hải Anh cho rằng mỗi bậc cha mẹ có cách yêu thương, giáo dục con cái riêng, đều đáng trân trọng. Tuy nhiên bao bọc như thế nào để con vẫn trưởng thành và hòa nhập được với môi trường sống là điều cần suy nghĩ.

{keywords}

Sau 1 năm học tập ở Mỹ, cậu bạn đã tự tin và hòa đồng hơn, dám nghĩ, dám làm những điều mình nghĩ.

“Bao bọc con đến mức độ nào và để con tự lập như thế nào, đó là cách giáo dục của từng phụ huynh và sẽ hệ quả trực tiếp đến tương lai của con, nên em nghĩ người ngoài không ai có quyền soi mói. Về phần em, mặc dù rất được bố mẹ quan tâm chăm sóc nhưng vì xác định đi du học từ sớm nên em cũng tập dần tính tự lập. Sang Mỹ em ở trong kí túc xá của trường và ăn uống thì đã có canteen nấu nên cũng không có quá nhiều vấn đề. Quan trọng nhất vẫn là tự nhắc nhở bản thân cố gắng học tập, phần lớn là cho mình, còn 1 phần nho nhỏ là để không phí công bố mẹ vất vả cho đi học”, Hải Anh chia sẻ.

Chia về sự trưởng thành của mình sau 1 năm trải nghiệm ở Mỹ, Hải Anh nói thêm: “Hồi trước em cũng nhát lắm, chỉ dám to mồm với bạn thân hoặc người quen thôi. Cơ mà dần dần cũng tự tin và hòa đồng hơn, dám nghĩ và dám làm 1 vài cái đã nghĩ ra. Đặc biệt hơn nữa thì chắc là cũng tầm 3 năm rồi em không động vào game online”.

Nguyễn Hải Anh (SN 15/11/1996) là một trong 6 học sinh xuất sắc toàn cầu nhận học bổng IB hay còn gọi là Tú tài Quốc tế tại phân viện New York của EF International Academy, Mỹ khi đang học lớp 11 Lý 2 trường Hà Nội – Amsterdam. IB là một khóa học kéo dài 2 năm dành cho học sinh trung học phổ thông, được tạo nên với mục đích cung cấp 1 chương trình thực tế và toàn diện thông qua 6 nhóm môn học.

Thành tích:

- 11 năm liền đạt học sinh giỏi.

- IELTS 8.0 - kết quả xếp vào hàng “cao thủ” tại kỳ thi IELTS – kỳ thi tiếng Anh quốc tế uy tín hàng đầu thế giới.

- Điểm GPA (điểm trung bình từng học kỳ theo thang điểm Mỹ) năm vừa rồi là 4.4/4.7, xếp thứ 9 toàn trường EF International Academy.

Kim Minh