Hầu hết các loài trai sò đều thích ẩn mình dưới lớp cát hoặc bùn mềm mại, mang đến cho chúng sự bảo vệ an toàn, tuy nhiên loài động vật thân mềm này thì không. Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một loài mới, có họ hàng với con hà (shipworm), chúng nhai và đục lỗ trên những tảng đá vôi, rồi bài tiết ra các mảnh vụn dưới dạng cát.

Loài này có tên khoa học là Lithoredo abatanica và là một trong số ít những loài có khả năng phong hoá cảnh quan, tạo ra nơi trú ẩn cho các sinh vật khác, đồng thời có khả năng ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái môi trường sông, nơi chúng sinh sống.

Loài sinh vật nhỏ có vẻ ngoài giống như sâu này lần đầu được thấy vào năm 2006, nhưng chỉ mới được quan sát kỹ hơn gần đây tại Philippines.

Dù có tên là shipworm (giun tàu), nhưng con hà không thật sự là họ giun, mà thuộc loài động vật thân mềm hai mảnh như sò, trai.

Từ thời xa xưa, khả năng đục gỗ này đã khiến những con hà trở thành tai họa với người đi biển, khi làm hỏng mọi thứ từ thân tàu đến các cầu cảng. Loài này có thể phát triển đến kích thước ấn tượng lên đến 1,5m. Phần lớn thời gian cơ thể của chúng sẽ nằm trong bùn ngập mặn, nơi vi khuẩn trong mang của nó chuyển đổi hydro sunfua thành chất dinh dưỡng phù hợp.

Loài hà đục đá mới thì có kích thước nhỏ hơn, chỉ khoảng 100mm và “công cụ" đục đá của nó là hàng chục chiếc răng nhỏ. Cơ thể dài của chúng không thể nằm gọn trong cái vỏ nhỏ bé mà thay vào đó đã phát triển thành công cụ để đục đá vôi. Đến giờ các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ cách nó tiêu hoá đá như thế nào, nhưng có lẽ là với sự giúp đỡ của những vi khuẩn sống trong chúng.

Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch phân tích sâu hơn về bộ gen của loài này, nhằm giải quyết bí ẩn về khả năng đục đá của chúng và tại sao chúng lại tiến hoá theo cách này. Nghiên cứu loài sinh vật này có thể gíup chúng ta học được một vài thủ thuật trong điêu khắc đá, hay cung cấp nguồn dược phẩm mới nhờ các vi khuẩn của chúng.

Theo GenK